Ngày 22-3, tại Hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế – xã hội TP HCM đến năm 2030, nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp (DN) lớn đang hoạt động tại TP HCM đã được lãnh đạo thành phố trân trọng lắng nghe, ghi nhận.

Mong đẩy nhanh đầu tư hạ tầng cảng biển

Phát biểu tại hội nghị, các DN đánh giá cao tinh thần chủ động của TP HCM trong việc xây dựng những kế hoạch dài hơi phát triển thành phố cũng như đồng hành hỗ trợ DN phát triển trong điều kiện thành phố chưa hoàn toàn phục hồi sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4.

Với kỳ vọng thành phố sớm đạt các chỉ tiêu tăng trưởng, nhiều DN, nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm đến việc phát triển hạ tầng ở thành phố, đặc biệt là hạ tầng cảng biển, cùng với đó là phát triển thành phố thành trung tâm phân phối hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao trên cơ sở phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại.

Đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ khai thác cảng, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc Tập đoàn Gemadept, cho rằng thành phố cần quan tâm đúng mức vào hậu cần và chuỗi cung ứng bởi đây giống như mạch máu trong cơ thể con người. Về quy hoạch, cần mở rộng cảng Cát Lái cùng các dự án ở Cần Giờ và những nơi khác. Các dự án cần triển khai có chất lượng, đồng bộ. Bên cạnh đó, TP HCM cần chủ động trong vai trò liên kết vùng, kiến nghị trung ương để giữ lại một phần ngân sách cao hơn nhằm đầu tư, kết nối và có cơ hội để thúc đẩy liên kết vùng.

Ông Park Hyun Bae, Tổng Giám đốc Công ty KCTC Việt Nam, cũng mong muốn thành phố tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng hàng hóa, trong đó tập trung cảng Cát Lái (TP Thủ Đức), cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè); hỗ trợ DN hoàn thiện các dịch vụ khai thác kho bãi cảng, dịch vụ logistics tăng sản lượng phục vụ.

“Mỗi năm, lượng hàng hóa thông quan cảng Cát Lái tăng 30% nhưng cảng chưa thể đáp ứng được yêu cầu. TP HCM xác định phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thì cần cải thiện hơn nữa, nâng cấp và mở rộng các cảng hàng hóa. Song song đó là ứng dụng công nghệ, hệ thống trao đổi thông tin điện tử, liên kết thông tin các cảng biển để điều hành các luồng xe, hàng hóa, giảm tình trạng hàng hóa bị ùn ứ” – ông Park Hyun Bae nêu ý kiến.

Tương tự, ông Boris Cohen, Tổng Giám đốc MSC, cho rằng việc phát triển nhanh chóng hạ tầng cảng biển sẽ giúp thành phố sớm trở thành trung tâm dịch vụ hàng hóa không chỉ của Việt Nam mà còn cả khu vực. Ông đề nghị thành phố tiếp tục đầu tư, hiện đại hóa cảng Cát Lái, đồng thời sớm đầu tư cảng mới trung chuyển ở khu vực Cần Giờ trước năm 2030.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với nhà đầu tư tại Hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế – xã hội TP HCM đến năm 2030, ngày 22-3. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tạo thuận lợi để tăng đầu tư vào thành phố

Tin tưởng TP HCM đang gượng dậy, cố gắng vươn lên, nêu gương cho cả nước và vì cả nước, ông Trần Thanh Tân, Phó Chủ tịch Dragon Capital, bày tỏ niềm hạnh phúc khi thành phố tập trung phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

“Dragon Capital mong muốn hỗ trợ kỹ thuật, chi phí để thành phố hoàn thiện đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và tài trợ kỹ thuật xây dựng thị trường hàng hóa. Cùng với đó là tư vấn, tài trợ kỹ thuật nghiên cứu xây dựng cơ chế thí điểm tạm thời để phát triển công nghệ tài chính và công nghệ thông tin” – ông Tân phát biểu và cam kết tiếp tục cùng Công ty Chứng khoán TP HCM huy động vốn nhằm tài trợ cho các dự án hiệu quả.

Từ kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng KCN và tạo môi trường sản xuất hiệu quả các DN nhỏ và vừa, bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Kizuna (KZN), nêu một số giải pháp cho lĩnh vực đầu tư hạ tầng công nghiệp TP HCM. Cụ thể, thành phố cần tập trung thu hút và phát triển cộng đồng DN nhỏ và vừa. Cần thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc, các vấn đề DN gặp phải và những điều DN quan tâm, mong muốn.

“Điều DN cần không chỉ là đất xây dựng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất… mà là môi trường sản xuất giúp các DN đầu tư và hoạt động sản xuất an toàn, hiệu quả, thành công bền vững, bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN đồng bộ và các tài nguyên chia sẻ như nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin giúp DN có thể ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số nhanh chóng” – bà Tâm Hiếu nêu.

Một giải pháp khác mà bà Tâm Hiếu đề xuất là thu hút đầu tư hiệu quả thông qua việc hình thành và phát triển các KCN/cụm công nghiệp đồng bộ. Trong ngắn hạn đến năm 2025, thành phố có thể hình thành và phát triển ngay loại hình khu nhà xưởng dịch vụ có tầng tại các quỹ đất nhỏ trong các KCN/cụm công nghiệp hiện hữu hoặc phát triển mới các cụm công nghiệp/KCN đã có trong quy hoạch với quy mô nhỏ; đến năm 2030 phát triển KCN đồng bộ quy mô lớn.

Đồng hành bằng chính sách hỗ trợ thiết thực

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, lãnh đạo thành phố luôn xác định cộng đồng DN có vai trò và sự đóng góp quan trọng trong sự phát triển của thành phố và đất nước. Hằng năm, UBND TP HCM định kỳ tổ chức hội nghị tham vấn các nhà đầu tư để được lắng nghe các ý kiến góp ý, qua đây mong muốn DN sẽ tham gia đầu tư, trực tiếp đóng góp và là đồng tác giả của sự phát triển của TP HCM trong giai đoạn phát triển mới. “Chúng tôi sẽ tiếp thu với thái độ cầu thị và trân trọng nhất” – ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Theo ông Phan Văn Mãi, đầu tư cho TP HCM cũng chính là đầu tư cho đất nước đang vươn lên trong xây dựng và phát triển. TP HCM mời gọi DN, nhà đầu tư tiếp tục đồng hành và hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa. Chính quyền thành phố sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động của DN, nhà đầu tư. Sau hội nghị này, TP HCM sẽ lập tổ công tác tiếp tục làm việc với DN, nhà đầu tư về những nội dung cụ thể.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của nhà đầu tư tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM – nhận định DN, các nhà đầu tư đã tâm huyết đóng góp vào sự phát triển kinh tế TP HCM, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng chục vạn lao động, nâng cao sức cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần rất quan trọng xây dựng và phát triển TP HCM. Sự tin cậy, đồng hành và gắn bó của các DN, các nhà đầu tư là một trong những nhân tố mang tính chất quyết định đến sự thành công giúp TP HCM phục hồi nhanh và phát triển.

TP HCM luôn xem khó khăn của DN là khó khăn của chính nhà lãnh đạo, quản lý; các cơ quan lãnh đạo, quản lý phải đồng hành với DN, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đáp ứng ngày càng cao các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, về nguồn nhân lực, về môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch của các DN… Lãnh đạo thành phố khẳng định luôn đồng hành với các DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất, kề vai sát cánh trong những lúc khó khăn bằng hành động và chính sách hỗ trợ thiết thực. 

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (Tập đoàn IPPG):

Trung tâm tài chính quốc tế sẽ là kênh dẫn vốn

Trong khi nhu cầu nguồn lực để phát triển cho TP HCM trong 25 năm tới là rất lớn nhưng nguồn lực trong nước vẫn chưa bảo đảm thì nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài rất quan trọng.

Để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược có uy tín, cần các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá mang tính cạnh tranh quốc tế. Theo ý kiến của Công ty Tư vấn Luật và Tài chính Shearman & Sterling, nếu có trung tâm tài chính quốc tế, TP HCM sẽ quy tụ nhiều định chế tài chính hàng đầu thế giới, góp phần phát triển thị trường tài chính TP HCM lên tầm cỡ khu vực và quốc tế, là kênh hỗ trợ vốn cho các DN, hỗ trợ đầu tư công cho TP HCM và ĐBSCL. Đồng thời, trung tâm tài chính sẽ tác động lan tỏa đối với phát triển kinh tế thành phố và cả nước, tạo hiệu ứng gia tăng độ hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư và phát triển hạ tầng, tạo các chuỗi cung ứng gắn với dịch vụ tài chính và các dịch vụ thương mại cao cấp khác. Theo tính toán của nhóm tư vấn, trung tâm tài chính có thể giúp tăng thu ngân sách nhà nước từ 8%-10%, thậm chí cao hơn tùy thuộc vào hoạt động của các nhà đầu tư trong trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam.

Lãnh đạo thành phố đã và đang nỗ lực hoàn thiện đề án trung tâm tài chính và chúng tôi mong thành phố xác định mô hình và định hướng đầu tư đề án này để các nhà đầu tư được tham gia nghiên cứu dự án theo đúng quy trình và quy định của pháp luật.


Bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet, Tổng Giám đốc Sovico Holdings:

Xây dựng TP HCM là một điểm đến du lịch quốc tế

Để TP HCM phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, tôi kiến nghị tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán để sánh vai với các thị trường tiên tiến trên thế giới. Cần xây dựng thành phố trở thành một điểm đến du lịch quốc tế, là một điểm đến ẩm thực, văn hóa, nỗ lực đưa 15 triệu lượt du khách tới TP HCM trong năm nay, trong đó có từ 3,5-4 triệu lượt khách quốc tế.

Tôi cũng kiến nghị thành phố cần đẩy mạnh chuyển đổi số khẩn trương, đồng bộ, xây dựng kinh tế số và chúng tôi sẵn sàng đóng góp các hoạt động để phát triển kinh tế số. Cần có chính sách khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân, hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân, thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, các công ty khởi nghiệp. TP HCM cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, đường hàng không, đường bộ, logistics, công nghệ thông tin; thúc đẩy đầu tư công với các dự án và ngân hàng có thể tài trợ nguồn vốn.


Ông Hughes Glenn Andrew

Ông Hughes Glenn Andrew, Giám đốc Công ty TNHH Logos Việt Nam:

Hiện thực hóa kế hoạch đầu tư

Rất nhiều DN, bao gồm các công ty logistics, có nhu cầu và cần được hỗ trợ tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Riêng Logos, trong 2-3 năm qua đã mở rộng đầu tư. Sắp tới, công ty sẽ tiếp tục làm việc với Ban Quản lý các KCX-KCN thành phố và lãnh đạo của thành phố để đẩy nhanh tiến độ thủ tục, bảo đảm hiện thực hóa kế hoạch đầu tư vào TP HCM.

Linh Anh – Phương An ghi


Thanh Nhân – Thái Phương