Theo một báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng cách đây ít ngày về kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2020 của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), số DN FDI kinh doanh lãi năm 2020 chỉ chiếm 40,2%, trong khi đó có tới khoảng 56% DN kinh doanh lỗ.

Đây cũng là năm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020 ghi nhận số thu nộp ngân sách nhà nước của khối DN FDI giảm so với năm trước đó khi số thu nội địa (không kể dầu thô) của khu vực DN FDI năm 2020 là 206.088 tỉ đồng, giảm 6.111 tỉ đồng so với năm 2019.

Đáng lưu ý, mặc dù doanh thu và lợi nhuận trước thuế vẫn có sự tăng trưởng qua các năm nhưng tỉ lệ DN báo lỗ, DN lỗ lũy kế, DN lỗ mất vốn vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. “Điều này cho thấy vẫn tồn tại hiện tượng chuyển giá, trốn thuế gây thất thoát, thiệt hại nguồn thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và sự cạnh tranh lành mạnh” – Bộ Tài chính nhận định.

Khu du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt SILVER SHORES do Công ty Silver Shores đầu tư – Ảnh: Internet

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2020 của các DN FDI tại Việt Nam đạt 406.585 tỉ đồng, tăng 37.245 tỉ đồng, tương đương 10,08% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 341.786 tỉ đồng, tăng 35.652 tỉ đồng, tương đương 11,65% so với năm 2019.

Trong khi đó, số lượng DN có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020 báo lỗ là 14.108 DN, chiếm tỉ lệ 56% DN có báo cáo, với số lỗ là 151,064 tỉ đồng. Tổng tài sản của các DN báo lỗ năm 2020 là 2.476.870 tỉ đồng, tăng 22% so với tổng tài sản của các DN báo lỗ năm 2019. Doanh thu của các DN báo lỗ năm này là 1.072.816 tỉ đồng, tăng 27% so với doanh thu của các DN báo lỗ năm 2019.

Xét theo quốc gia, vùng lãnh thổ – nơi “thường trú” của DN đầu tư vốn tại Việt Nam, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy có sự chênh lệch rõ nét về chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE). Theo đó, nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài của các nhà đầu tư đến từ châu Âu (Luxembourg, Hà Lan, Pháp, Đức…) có chỉ số ROE ở mức cao. Ví dụ, chỉ số ROE của nhóm DN đến từ Hà Lan là 29,9%; Pháp là 83,2%…

Trong khi đó, quốc gia có số lượng DN đầu tư vào Việt Nam lớn là Hàn Quốc chỉ có chỉ số ROE là 11%; Nhật Bản 16,1%…

“Nhìn chung, nhóm các quốc gia khu vực châu Á có số lượng DN đầu tư vào Việt Nam lớn nhưng khả năng sinh lời thấp so với khu vực châu Âu” – Bộ Tài chính nhận định.

“Ông lớn” du lịch lỗ nặng vì Covid-19

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy nhóm ngành du lịch, kinh doanh khách sạn, dịch vụ lưu trú và ăn uống chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid 19. Theo đó, doanh thu giảm 12.972 tỉ đồng (38,7%); lợi nhuận trước thuế âm (-) 2.573 tỉ đồng; nộp ngân sách nhà nước giảm 1.956 tỉ đồng (46%) so với năm 2019.

Trong đó, 1 trong 2 DN có quy mô vốn đầu tư của chủ sở hữu chiếm tỉ trọng lớn nhất là Công ty TNHH Laguna Việt Nam (đầu tư khu du lịch Laguna Lăng Cô) có tổng tài sản năm 2020 giảm 4% so với năm 2019, nợ phải trả tăng 12%, vố chủ sở hữu giảm 7%… Một DN lớn khác là Công ty TNHH đầu tư và phát triển Silver Shores (đầu tư Khu du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt Silver shores ở Đà Nẵng) có tổng tài sản giảm 2,11% so với năm trước, nợ phải trả tăng 3,8%, vốn chủ sở hữu giảm 2,49%…


Th.Dương