Thống kê của các quận, huyện và TP Thủ Đức, đến 18 giờ ngày 2-7, đã có 1 chợ đầu mối và 104 chợ lẻ trên địa bàn TP HCM tạm ngưng hoạt động để kiểm tra, đánh giá lại điều kiện hoạt động trong tình hình vừa duy trì kinh doanh vừa đảm bảo phòng, chống dịch.

Con số chợ ngưng hoạt động đang tăng nhanh mỗi ngày, từ 70 chợ trong ngày 30-7 lên 93 chợ trong ngày 1-7 và vượt mốc 100 chợ trong hôm nay theo tốc độ lây lan nhanh của dịch Covid-19.

Con số 12 chợ mới ngừng hoạt động trong ngày 2-7 là khá bất ngờ bởi trước tình trạng các quận, huyện, TP Thủ Đức liên tiếp tạm ngừng hoạt động nhiều chợ truyền thống, ngày 1-7, Sở Công Thương TP HCM đã gửi văn bản khẩn gửi đến UBND các địa phương, trong đó triển khai nhiều giải pháp nhằm nhanh chóng đưa các chợ đi vào hoạt động trở lại nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho tiểu thương, duy trì việc cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu cho số đông người dân có thu nhập trung bình và thấp không bị gián đoạn, không tập trung đông người.

Khách mua sắm trực tiếp tại các siêu thị trong những ngày này giảm mạnh, đa số chuyển sang đặt hàng online để hạn chế tiếp xúc trực tiếp

Ở kênh mua sắm hiện đại, trong ngày 2-7, có 5 cửa hàng tiện lợi gồm cửa hàng Co.opSmile 125 Bùi Đình Tuý, Co.opsmile 65 Lý Thường Kiệt, Bách hóa xanh 161 Bình Mỹ, Bách hóa xanh 288 Phan Huy Ích, Satrafood 2-4-6 Lê Thị Riêng mở cửa trở lại.

3 siêu thị lớn gồm Vinmart Cộng Hòa , Coopmart Hoàng Văn Thụ và MM Mega Marker An Phú cũng đã mở cửa trở lại sau khi thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của cơ quan y tế về phòng chống dịch.

Đại diện các doanh nghiệp bán lẻ đang quản lý các siêu thị, cửa hàng trên cho biết trong ngày đầu bán hàng trở lại, các điểm bán thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhưng không có nhiều khách hàng đến mua sắm.

Toàn TP vẫn còn 60 cửa hàng tiện lợi và một số siêu thị như Tops Market An Phú, Vinmart Thảo Điền… đóng cửa do liên quan đến ca nhiễm Covid-19, trong đó một số cửa hàng đang hoàn tất các thủ tục theo hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM để mở cửa lại trong 1 vài ngày tới. Riêng những cửa hàng nằm trong khu vực bị phong tỏa sẽ phải kéo dài thời gian đóng cửa cho đến khi cả khu vực được gỡ phong toả.

Do các địa điểm mua sắm truyền thống bị đóng cửa quá nhiều, cầu thị trường giảm mạnh nên lượng hàng hóa nông sản thực phẩm các nơi đưa về kênh tiêu thụ truyền thống thông qua 2 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức trong ngày 2-7 tiếp tục ở mức dưới 5.000 tấn (bình thường 8.000 – 9.000 tấn), dù có tăng nhẹ 3% so với ngày 1-7. Cụ thể, tổng lượng hàng về các chợ đầu mối: 4.730,7 tấn/ngày đêm, trong đó bao gồm 252,8 tấn thịt gia súc, gia cầm; 560 tấn thủy hải sản; gần 3.918 tấn rau củ quả, trái cây.

Trước tình trạng quá nhiều chợ, cửa hàng tiện lợi tiếp tục đóng cửa, ngay trong chiều tối ngày 2-7, Sở Công Thương TP HCM một lần nữa gửi văn bản đến UBND các quận huyện, TP Thủ Đức rà soát tình hình tạm ngưng hoạt động các điểm kinh doanh hàng hóa lương thực thực phẩm, hàng thiết yếu trên địa bàn; triển khai hướng dẫn thực hiện quy trình xử lý các điểm kinh doanh đang ngừng hoạt động theo hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP để sớm đưa vào hoạt động trở lại.


Thanh Nhân

Chia sẻ