Là doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú hiện chỉ sử dụng nguyên liệu tôm nuôi trong nước. Theo ông Lê Văn Quang, tổng giám đốc tập đoàn, từ giữa năm 2019, DN đã ngưng nhập khẩu tôm nguyên liệu hoàn toàn để tập trung phát triển vùng nuôi tại chỗ.

Thay thế nhập khẩu

Tính đến cuối năm 2020, Minh Phú đã tự nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm công nghệ cao và đưa vào vận hành hiệu quả tại 2 vùng nuôi của mình là: Minh Phú Kiên Giang (600 ha) và Minh Phú Lộc An (300 ha).

Ngoài ra, trong nhiều năm qua, Minh Phú đã và đang thiết lập mạng lưới liên kết và cung ứng tôm trải rộng khắp khu vực ĐBSCL với nhiều mô hình nuôi tôm bền vững như: 100.000 ha nuôi tôm công nghiệp, 25.000 ha nuôi tôm sinh thái rừng ngập mặn cùng hơn 10.000 ha diện tích nuôi tôm – lúa. “Quan điểm của chúng tôi là đôi bên cùng có lợi, DN có lợi nhuận vừa phải, còn lại chia sẻ với nông dân bằng giá mua tôm nguyên liệu sao cho họ có hiệu quả tiếp tục tái đầu tư để DN có đủ nguyên liệu sản xuất, chế biến, phát triển thị trường” – “vua tôm” Lê Văn Quang nhấn mạnh.

Trước đó, DN này đã nhập khẩu thêm nguyên liệu từ Ấn Độ để thực hiện các đơn hàng ngoài thị trường Mỹ và vướng vào điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá, phải tạm đóng thuế như tôm Ấn Độ (khoảng hơn 10%) khi xuất khẩu vào Mỹ. Mất hơn 1 năm dốc toàn lực để khiếu nại, đáp ứng các yêu cầu từ phía cơ quan điều tra, Minh Phú mới được phía Mỹ hủy lệnh áp thuế.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện giá thành tôm nuôi tại Việt Nam còn cao nên các DN chủ yếu xuất khẩu hàng chế biến sâu. “Tiềm năng của ngành tôm Việt Nam còn lớn nhưng cần tiếp tục đầu tư để hạ giá thành, nâng sản lượng thì khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam mới tốt lên được” – ông Hòe nhìn nhận.

Trong lĩnh vực sữa, cuối tháng 2 vừa qua, Tập đoàn TH đã khởi công dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại xã Vĩnh Gia và Vĩnh Phước, huyện biên giới Tri Tôn (tỉnh An Giang). Với tổng đầu tư 2.655 tỉ đồng, khi đi vào vận hành, đây là dự án chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao, quy trình khép kín lớn nhất khu vực ĐBSCL với quy mô đàn bò nuôi tập trung 10.000 con, nhà máy chế biến sữa tươi sạch công suất 135 tấn/ngày. Dự án này sẽ cung cấp sữa cho thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó có Trung Quốc – thị trường lớn nhất thế giới.

Việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trong nước những năm gần đây của các DN đã giúp đưa sản lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước đạt hơn 1,1 triệu tấn năm 2020, tăng 12,9% so với năm 2019 và còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Năm 2020, nguyên liệu trong nước đã đáp ứng hơn 40% nhu cầu sữa của người Việt Nam từ mức dưới 10% vào năm 2008, khi sự cố sữa melamine xảy ra.

Vùng trồng thanh long liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ

Nông dân được gì?

Đối với trái cây tươi, hầu hết các thị trường đều yêu cầu về mã số vùng trồng, điều này bắt buộc DN phải gắn kết với nông dân ở vùng trồng để ổn định sản lượng, chất lượng. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group (TP HCM), đầu năm 2021, mặt bằng giá trái cây thấp nhưng DN vẫn bao tiêu sản phẩm cho nông dân như cam kết, nhiều lúc giá cao gấp 1,5-2 lần so với thị trường, như vú sữa DN thu mua 36.000 – 40.000 đồng/kg trong khi giá bên ngoài chưa tới 20.000 đồng/kg.

Theo Tập đoàn TH, khi đầu tư vào tỉnh biên giới An Giang, DN cam kết phát triển sinh kế mới cho bà con nông dân. “Trong chuỗi sản xuất khép kín của TH, nông dân sẽ tham gia khâu trồng cây nguyên liệu – thức ăn thô xanh cho bò sữa, năng suất và giá trị trên một đơn vị canh tác sẽ được tăng lên đáng kể. Ngoài mô hình chăn nuôi bò sữa khép kín, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tại An Giang, Tập đoàn TH dự kiến phát triển thêm mô hình chăn nuôi bò sữa liên kết với người dân thông qua hợp tác xã công nghệ cao, tương tự mô hình mà TH đã triển khai tại Đà Lạt với thương hiệu Dalat Milk” – đại diện Tập đoàn TH thông tin thêm.

Ông Phạm Ngọc Hoàng, Tổng Giám đốc Công TNHH Thương mại Sản xuất Hoàng Hà (TP HCM), cho rằng đặc điểm của nông nghiệp Việt Nam là nông hộ sản xuất quy mô nhỏ, trong khi thị trường xuất khẩu hiện nay cần nông sản phải có chất lượng, độ đồng đều và quan trọng nhất là kiểm soát được tồn dư hóa chất trong sản phẩm. Do đó, nhu cầu của DN liên kết với nông dân để hình thành vùng nguyên liệu là rất lớn. 

“Thời gian qua, tuy nhà nước chủ trương khuyến khích các hoạt động liên kết này nhưng chưa có chính sách cụ thể nên các nơi tự thân vận động là chính. Theo tôi, cần có chính sách vĩ mô trong quy hoạch vùng nguyên liệu dựa trên bản đồ thổ nhưỡng để tránh tình trạng trồng tràn lan, vừa kiểm soát được sản lượng vừa giúp DN liên kết chặt chẽ cùng nông dân trên tinh thần đôi bên cùng có lợi” – ông Hoàng bày tỏ.

Là DN có kinh nghiệm liên kết với nông dân ở mô hình cánh đồng lớn, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), nhấn mạnh yếu tố quan trọng để mô hình liên kết thành công chính là lợi nhuận của nông dân phải được bảo đảm. 

“Nếu không có lợi nhuận, nông dân không bao giờ làm theo dù DN sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ vì trách nhiệm xã hội, vì sức khỏe người tiêu dùng… Do đó, chúng tôi hợp tác cùng nông dân tại Kiên Giang, Cần Thơ trồng 1.400 ha lúa hữu cơ không phân và thuốc hóa học ngoài cam kết giá cao hơn thị trường còn cam kết năng suất tối thiểu để nông dân chắc chắn được nguồn thu” – ông Bình chia sẻ.

Bên nào vi phạm phải bị xử lý

“Ngay từ đầu năm, đã có dự án nông nghiệp lớn đầu tư vào ĐBSCL là thông tin hết sức tích cực cần được cổ vũ. Nhìn về mối quan hệ của DN với nông dân, các cam kết cần được ràng buộc bằng pháp lý chứ không chỉ bằng uy tín. Thực tế thời gian qua, chuyện “bẻ kèo” khi thị trường biến động thường xuyên xảy ra. Hiện nay, chúng ta đang chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp nên quan hệ của DN và nông dân là quan hệ hợp tác, bên nào vi phạm phải bị xử lý”.

TS TRẦN HỮU HIỆP, chuyên gia nông nghiệp

Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh

Thống kê xuất khẩu nông – lâm – thủy sản 2 tháng đầu năm cho thấy giá trị đạt 6,17 tỉ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 3,14 tỉ USD, tăng 19%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt 52 triệu USD, tăng 13,8%; thủy sản đạt hơn 1 tỉ USD, tăng 0,7%… Kết quả này kế thừa từ thành tựu xuất khẩu nông – lâm – thủy sản kỷ lục của năm 2020 lên tới 41,2 tỉ USD. Nguyên nhân một phần đến từ việc mở rộng, phát triển mạnh mẽ các vùng chuyên canh sản xuất, gắn với chế biến quy mô lớn, có truy xuất nguồn gốc…


Bài và ảnh: NGỌC ÁNH

Chia sẻ