Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cập nhật đến ngày 20-9 cho thấy Việt Nam hiện có 1.584 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với số tổng vốn hơn 21,6 tỉ USD. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, có 80 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn hơn 347,3 triệu USD – tăng gấp 2,31 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Thâu tóm cả thương hiệu nước ngoài

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong thời gian này, có 5 dự án lớn mới được cấp phép của Công ty CP Giải pháp năng lượng Vines sang Mỹ, Canada, Pháp, Đức và Hà Lan với tổng vốn đầu tư mỗi dự án hơn 34,68 triệu USD.

Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 13 ngành. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu. Ngành tài chính – ngân hàng, bảo hiểm đứng thứ 2; tiếp theo là các ngành bán buôn, bán lẻ; khai khoáng; nông – lâm – thủy sản… Trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đầu tư đến 24 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng đầu là Lào, tiếp theo là Singapore, Mỹ, Đức, Hà Lan…

Mới đây, tại TP HCM, Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood công bố thông tin công ty thành viên là Nutifood Sweden (Thụy Điển) đã sở hữu 51% cổ phần Cawells – một thương hiệu thực phẩm bổ sung Thụy Điển ra đời cách đây 8 năm, bởi những nhà sáng lập có kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về thương vụ trên, ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood, cho biết việc nắm quyền chi phối một thương hiệu đến từ EU (Liên minh châu Âu) là để đón đầu sự bùng nổ ngành hàng thực phẩm bổ sung tại thị trường châu Á với 5 tỉ dân trong vài năm tới.

“Một sản phẩm tốt xuất xứ từ châu Âu sẽ nhanh chóng được thị trường quốc tế chấp nhận, quan trọng là thương hiệu này được chi phối bởi doanh nghiệp (DN) Việt, dòng tiền sẽ đưa về Việt Nam. Trong tương lai, chúng tôi có kế hoạch mua thêm một số thương hiệu tốt từ Mỹ, Úc để thực hiện tham vọng đưa Nutifood trở thành thương hiệu thực phẩm dinh dưỡng hàng đầu châu Á” – ông Trần Bảo Minh tiết lộ.

Theo ông Trần Bảo Minh, trong kinh doanh, quan trọng nhất là thị trường. Việt Nam có lợi thế khi nằm ở vị trí trung tâm châu Á gồm nhiều thị trường rất lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia… chứ không chỉ bó hẹp ở thị trường nội địa 100 triệu dân.

“Nhiều DN châu Âu có công nghệ hàng đầu thế giới, sản phẩm tốt nhưng thị trường nội địa nhỏ bé, khi xuất khẩu sang châu Á thì không am hiểu thị trường nên tăng trưởng chậm. Sự kết hợp lợi thế của 2 bên sẽ giúp đưa thương hiệu chung phát triển vượt bậc” – Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood kỳ vọng.

Ông Trần Bảo Minh không tiết lộ giá trị thương vụ đầu tư tại Thụy Điển. Song, ông cho hay trước đó, Nutifood Sweden và Viện Nghiên cứu dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển đã phát triển được nhiều sản phẩm dinh dưỡng được thị trường quốc tế ưa chuộng, đóng góp hàng ngàn tỉ đồng doanh thu cho Nutifood.

Các sản phẩm của Nutifood Thụy Điển được xuất khẩu sang nhiều nướcẢnh: Ngọc Ánh

Doanh nghiệp Việt lớn mạnh

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), vừa cho biết niên vụ cà phê 2021-2022 có giá trị xuất khẩu xác lập kỷ lục 3,9 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay.

“Hai điểm sáng nổi bật là tỉ lệ cà phê chế biến tăng mạnh và nhiều thương hiệu cà phê Việt như: Trung Nguyên Legend, King Coffee, L’amant Café… đã vươn ra thế giới, chứng tỏ sự lớn mạnh của các DN cà phê Việt Nam” – Chủ tịch Vicofa nhấn mạnh.

Mới đây, mô hình “Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend” của Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã khai trương không gian đầu tiên trên thế giới tại trung tâm Thượng Hải – Trung Quốc. Đây là hoạt động đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của Trung Nguyên Legend tại thị trường Trung Quốc, nâng tầm thương hiệu cà phê Việt Nam trên toàn cầu.

Trong hơn 10 năm qua, các sản phẩm, thương hiệu Trung Nguyên, G7, Trung Nguyên Legend của Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã nhận được sự yêu thích của những người mê cà phê tại đây. Cà phê G7 của Trung Nguyên Legend còn giữ thị phần lớn thứ 2 trên thị trường thương mại điện tử. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, 800 triệu ly cà phê Trung Nguyên Legend đã được bán ra tại Trung Quốc…

“Trong suốt 26 năm phát triển, Trung Nguyên Legend đã không ngừng sáng tạo hệ sinh thái cà phê đặc sắc trải dài trên toàn chuỗi giá trị ngành này nhằm góp phần nâng cao giá trị cà phê lên tầm mức văn hóa, nghệ thuật, tinh thần… Sự ra mắt mô hình “Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend” tại Thượng Hải tiếp tục khẳng định vị thế của thương hiệu, nâng tầm thương hiệu cà phê Việt Nam trên toàn cầu” – đại diện Trung Nguyên Legend nhận xét.

Trước xu hướng đầu tư ra nước ngoài, hồi tháng 4-2022, Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã mở văn phòng tại TP HCM. VAFIE có thêm nhiệm vụ mới là làm đầu mối hỗ trợ các DN Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư ở nước ngoài (pháp lý, tập quán, văn hóa…) thông qua mạng lưới Việt kiều ở các nước.

Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, đầu tư ra nước ngoài của DN Việt đang chuyển biến tích cực với nhiều dự án lớn. Trong tương lai, giá trị đầu tư ra nước ngoài của DN Việt có thể vượt 1 tỉ USD/năm từ mức khoảng 700 triệu USD/năm như hiện nay.

“Nhiều dự án về công nghệ, cao su, cà phê… đã thành công, chuyển lợi nhuận về nước, góp phần cân bằng cán cân thanh toán quốc tế, tăng dự trữ ngoại hối. Cần chọn lọc các dự án tốt cũng như tìm hiểu kỹ môi trường đầu tư ở nước ngoài để gia tăng tỉ lệ thành công” – Chủ tịch VAFIE nhìn nhận. 

“Ngược dòng” đúng hướng

Theo chuyên gia kinh tế – TS Trần Du Lịch, trong bối cảnh nhiều DN nước ngoài đang thâu tóm các DN Việt thì việc DN thuần Việt mua DN nước ngoài để làm lớn mạnh thương hiệu Việt là rất đáng quý. DN thuần Việt – được hiểu theo nghĩa thương hiệu Việt, chủ là người Việt Nam – đã dùng chiến thuật “ngược dòng”, “tấn công để phòng thủ” sẽ giúp DN Việt lớn mạnh, giữ được thương hiệu và vươn ra quốc tế chứ không chỉ loanh quanh trong nước. Hy vọng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có những thương hiệu mang tầm quốc tế để người Việt có thể tự hào.


NGỌC ÁNH – THÁI PHƯƠNG