Ngày 27-10, thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội năm 2022 và kế hoạch năm 2022 tại kỳ họp thứ 4, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) bày tỏ vui mừng trước những thông tin tích cực 9 tháng qua về kinh tế – xã hội, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cú sốc khủng hoảng năng lượng, an ninh lương thực, khiến nhiều nước vượt đỉnh lạm phát trong vòng 30-40 năm qua. “Khi lạm phát tăng cao buộc các nước phải “uống liều thuốc đắng” đó chính là phải tăng lãi suất điều hành và đã có hơn 90 ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất. Từ đó, tác động tiêu cực lên hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng”- ông Ngân nói và cho biết Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế sẽ suy giảm và có khả năng suy thoái trên thế giới.

PGS-TS, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân

Vị đại biểu là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết nêu bối cảnh khó khăn, phức tạp và khó lường đó để thấy những kết quả chúng ta đạt được thời gian qua hết sức trân quý. PGS-TS Trần Hoàng Ngân cũng nhấn mạnh trong báo cáo Chính phủ cũng nhìn nhận còn nhiều khó khăn, thách thức thời gian tới.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Chính phủ nhìn nhận cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu. Do đó, vị đại biểu đề nghị Chính phủ trong thời gian tới, cần đẩy mạnh tái cơ cấu mạnh mẽ các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, xử lý nhanh các doanh nghiệp kém hiệu quả, phát huy hơn nữa vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, hướng đến các công trình, dự án lớn mang tầm quốc gia, nhất là đầu tư cho các ngành công nghiệp nền tảng công nghiệp vật liệu, công nghiệp luyện kim, cơ khí.

Nhấn mạnh tình trạng giải ngân một số gói hỗ trợ trong chương trình phục hồi kinh tế – xã hội còn thấp, như gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét nguồn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thêm thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn.

Về vấn đề là thị trường xăng dầu, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh bị đứt gãy chuỗi cung ứng một số nơi. “Mặc dù Bộ Công Thương đã tích cực vào cuộc nhưng chúng ta cần sớm khắc phục, rút ra bài học kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng tương tự. Trong thời gian tới cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu”- ông Ngân nói.

Vị đại biểu đoàn TP HCM nhấn mạnh giá cả xăng dầu trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, ông đề nghị Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhạy nhất.

Cũng phản ánh về thị trường xăng dầu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) nhấn mạnh tình trạng thiếu hụt xăng dầu thời gian qua, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam cho thấy sự lúng túng trong xử lý tình huống của các cơ quan trong quản lý Nhà nước. 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng sự lúng túng trong điều hành, xử lý khiến người dân bức xúc, nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm. 

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu một số bất cập trong quản lý đất đai

Phát biểu thảo luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) phản ánh về thực trạng hiệu quả sử dụng đất đai ở nước ta chưa cao dẫn đến lãng phí. Theo bà Mai, khác với rất nhiều quốc gia trên thế giới có sở hữu tư nhân về đất đai, thể chế của Việt Nam có đặc thù nhất định. Hiến pháp đã khẳng định rất rõ đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý, đó là quan điểm đúng đắn, là con đường mà chúng ta đã kiên định lựa chọn.

Như vậy, theo bà Vũ Thị Lưu Mai, một quyền lực rất lớn được trao gửi cho bộ máy nhà nước, làm sao để sử dụng đất đai cho hiệu quả, tăng thu cho ngân sách nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là vấn đề được đặt ra.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh trên thực tế thời gian qua trong lĩnh vực quản lý đất đai, bên cạnh rất nhiều kết quả đạt được, chúng ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức, hiệu quả sử dụng đất đai chưa cao. Lãng phí đất đai là một trong những thực trạng đáng nhức nhối, nhiều khu đất đang để hoang hóa, sử dụng sai mục đích…

Bà Vũ Thị Lưu Mai cho rằng cần xử lý nghiêm đối với lối tư duy nhiệm kỳ, đề cao trách nhiệm nhưng cũng rất cần một cơ chế minh bạch, ranh giới giữa đúng, sai phải rõ ràng để tạo công cụ bảo vệ những người trong bộ máy công quyền, không tạo tâm lý e dè, lo lắng, khơi thông tư tưởng. Có như vậy, mới nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai.

Sớm ban hành Luật Công nghệ

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện nay tuy vẫn tăng nhưng gặp khó khăn trong chuyển giao công nghệ, liên kết giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước.

Vì vậy, trong thời gian tới cần thận trọng hơn trong thu hút FDI, không vì tăng trưởng, không vì thành tích địa phương mà cấp phép ồ ạt vì có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an ninh, năng lượng và môi trường. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, liên kết tốt với kinh tế trong nước.

“Cần sớm ban hành Luật Công nghệ hỗ trợ để tăng thêm tỉ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm sản xuất từ các dự án FDI cũng như là các mặt hàng xuất khẩu”- đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất


Minh Chiến – Văn Duẩn