Đại án BIDV: Chuyển ngân hàng Nhà nước xử lý cán bộ BIDV

Cơ quan điều tra (CQĐT) Bộ Công an vừa hoàn tất Kết luận điều tra vụ án hình sự “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng”.

Theo kết quả điều tra của CQĐT, không ít các lãnh đạo đương nhiệm của BIDV đóng vai trò nhất định dẫn tới thiệt hại hơn 890 tỷ đồng của ngân hàng này đến thời điểm khởi tố vụ án.

Cụ thể, theo kết luận của CQĐT, ông Trần Bắc Hà lợi dụng vị trí Chủ tịch HĐQT BIDV, lợi dụng chủ trương cho vay phát triển nông nghiệp của Chính phủ, đưa Công ty Bình Hà (công ty sân sau) vào diện đối tượng được cho vay thí điểm. Ông Hà chỉ đạo BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, Tổ thẩm định chung, Ban Khách hàng Doanh nghiệp (KHDN), Ban Quản ý rủi ro (QLRR), Phân Ban Rủi ro tín dụng (PBQLRR) và HĐQT BIDV, thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng và giải ngân cho Công ty Bình Hà vay từ ngày 18/8/2015 đến ngày 6/11/2017, tổng cộng 2.687 tỷ đồng, với các điều kiện ưu đãi về vốn tự có và tài sản đảm bảo.

Tổng dư nợ đến thời điểm Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án (tháng 11/2018) của Công ty Bình Hà là hơn 1.459,201 tỷ đồng. Trong đó không có khả năng thu hồi là 890,274 tỷ đồng.

Ngoài 5 bị can đã tiến hành khởi tố, CQĐT xác định 18 cá nhân khác tham gia vào việc thẩm định, đề xuất, phê duyệt cho vay và giải ngân, liên quan đến hành vi phạm tội của ông Trần Bắc Hà.

Trong đó, 9 cá nhân thuộc HĐQT và Phân Ban Quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư của BIDV, có hành vi tham gia phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà (gồm các ông/bà: Trần Thanh Vân, Ngô Văn Dũng, Nguyễn Huy Tựa, Lê Đào Nguyên, Phan Thị Chinh, Nguyễn Thị Kim Thanh, Đặng Xuân Sinh, Nguyễn Văn Lộc, Ngô Văn Dũng và ông Phan Đức Tú (đương kim Chủ tịch BIDV). Riêng bà Phan Thị Chinh chỉ tham gia sửa đổi điều kiện cấp tín dụng lần thứ 6, không gửi ý kiến tham gia phê duyệt cho vay).

7 cá nhân thuộc Tổ thẩm định chung và Ban Khách hàng Doanh nghiệp và Ban Quản lý rủi ro tín dụng Hội sở (gồm các ông/bà: Lê Ngọc Lâm, Lê Kiên Nghị, Nguyễn Thái Thạch, Dương Thị Quỳnh Phương, Lưu Anh Vũ, Võ Hải Nam và Nguyễn Thị Lệ Thu). Trong đó, ông Lê Ngọc Lâm (hiện là Phó TGĐ phụ trách Ban điều hành BIDV) trong thời gian xảy ra vụ án là Phó TGĐ phụ trách Khách hàng Doanh nghiệp lớn, Giám đốc Ban Khách hàng Doanh nghiệp, Tổ trưởng Tổ thẩm định chung.

Ngoài ra còn 2 cá nhân thuộc BIDV Hà Tĩnh là bà Đặng Thị Tuyết Mai và Lê Thị Lan Dao.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV hiện tại

Nhiều tình tiết về diễn tiến thu xếp vốn mà BIDV đã thực hiện cho công ty “sân sau” của ông Trần Bắc Hà cũng được hé lộ trong kết luận điều tra. Kết luận đã làm rõ hành vi và phân tích trách nhiệm của từng cán bộ BIDV có liên quan.

Tài liệu cho thấy, dù BIDV – Chi nhánh Hà Tĩnh là đầu mối giải ngân, nhưng các lãnh đạo ở Hội sở BIDV mới là người quyết định và phê duyệt chủ trương. Theo đó, Bình Hà là khách hàng nhóm 2, tổng giới hạn tín dụng được cấp lên tới 3.162 tỷ đồng, nên thẩm quyền phê duyệt thuộc Hội đồng quản trị.

Theo đó, ngày 09/7/2015, ông Trần Bắc Hà ký Báo cáo tổng hợp ký kiến các thành viên Phân ban rủi ro tín dụng số 405/BC-PBTDĐT, nội dung: tài trợ vốn cho Công ty Bình Hà thực hiện Dự án; Kết quả tổng hợp lấy ý kiến 7 thành viên: có 6/7 thành viên đồng ý.

Thành viên duy nhất không bỏ phiếu đồng ý trong Phân ban trên là Giám đốc Ban QLTD. Ngày 13/7/2015, HĐQT BIDV cho ý kiến về việc tài trợ vốn cho Công ty Bình Hà để thực hiện dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt tại tỉnh Hà Tĩnh, theo đó có tới 10/14 thành viên HĐQT có ý kiến tán thành.

Căn cứ biên bản tổng hợp ý kiến số 88/BB-HĐQT nêu trên, HĐQT BIDV đã phê duyệt tài trợ vốn cho Công ty Bình Hà tại dự án.Trong 4 thành viên HĐQT còn lại của BIDV, 1 người không có ý kiến, và 3 người không gửi ý kiến tham gia.

Cơ quan điều tra đánh giá trách nhiệm chính, cao nhất và xuyên suốt dẫn đến sai phạm trên của BIDV Hội sở và Chi nhánh Hà Tĩnh thuộc về cá nhân ông Trần Bắc Hà.

Đối với 18 cá nhân liên quan, tuy mỗi người có trách nhiệm ở mỗi khâu thẩm định, đề xuất, phê duyệt cho vay và giải ngân, nhưng mức độ thứ yếu, cơ bản không trực tiếp thẩm định và tiếp xúc với khách hàng; không bàn bạc và không biết mục đích và bản chất việc phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà của ông Trần Bắc Hà; bị ông Hà gây áp lực và áp đặt về thời gian, nên chỉ làm theo chức trách nhiệm vụ được giao, thẩm định trên bề mặt hồ sơ do các cấp trình lên; khi ký phê duyệt cũng đã đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, đồng thời đã giao Chi nhánh quản lý chặt chẽ dòng tiền giải ngân và vốn tự có của Công ty Bình Hà; mong muốn Dự án đạt hiệu quả và không hưởng lợi bất chính.

Ngay từ khi khởi tố vụ án và đến nay, NHNN cũng đã 2 lần có văn bản đề nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Viện KSND tối cao xác định BIDV là một trong 4 ngân hàng thương mại Nhà nước có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, đang thực hiện Phương án tái cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt; nên đề nghị cân nhắc trong vấn đề xử lý các sai phạm liên quan đến BIDV” – Kết luận viết – Viettimes thông tin.

Ông Phan Đức Tú, ông Lê Ngọc Lâm và 16 người khác được xác định có liên quan đến vụ án Bình Hà, tuy nhiên xét trên nhiều yếu tố, Cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự, mà chuyển Ngân hàng Nhà nước xem xét và quyết định xử lý phù hợp.

Được biết, ông Phan Đức Tú sinh năm 1964, nguyên quán xã Quỳnh Thiên – huyện Quỳnh Lưu – tỉnh Nghệ An, hiện sống ở khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội.

Ông Tú là cử nhân ngành Luật, cử nhân ngành Ngân hàng, thạc sĩ Quản trị Kinh doanh và là người đã gắn bó với BIDV hơn 30 năm qua.

Theo giới thiệu của BIDV thì năm 1987, ông Tú (khi đó 23 tuổi) bắt đầu làm việc tại ngân hàng này. Tháng 01/1998, ông là Giám đốc BIDV – chi nhánh Quảng Ngãi. Tháng 3/2005, ông đảm nhiệm vị trí Giám đốc ban Tổ chức cán bộ BIDV.

Tháng 6/2007, ông Tú được thăng chức lên Phó Tổng giám đốc BIDV.

Từ 1/5/2012, ông Tú đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc BIDV.

Hiện nay ông Tú là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật tại BIDV.

Ông Phan Đức Tú cũng từng có thời gian làm Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng Liên doanh Lào-Việt, Ủy viên HĐQT công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Campuchia (IDDC), Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH Hai thành viên Đầu tư Phát triển Quốc tế.

Chúng tôi tiếp tục thông tin sự việc này.

Hoàng Anh (TH)/Sở hữu trí tuệ