Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam năm 2021, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỉ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2021 ước đạt 19,74 tỉ USD.

Các tâm dịch thu hút vốn “khủng”

Khép lại năm 2021, kết quả thu hút vốn FDI được đánh giá là “gam màu sáng” của bức tranh kinh tế vốn chịu nhiều tác động của dịch Covid-19. Trong đó, có nhiều địa phương đã vượt qua khó khăn do dịch bệnh, triển khai nhiều giải pháp để bứt phá trong việc thu hút dòng vốn quan trọng này.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2021. Hải Phòng vượt qua Long An vươn lên dẫn đầu trong cả năm với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,26 tỉ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Thu hút vốn FDI là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2021

Long An xếp thứ hai với trên 3,84 tỉ USD, chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư cả nước. TP HCM đứng vị trí thứ ba với gần 3,74 tỉ USD, chiếm gần 12% tổng vốn đầu tư, giảm 14,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Bắc Ninh, Hà Nội,…

Nếu xét về số dự án, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP HCM, Hà Nội, Bắc Ninh. Trong đó, TP HCM dẫn đầu cả về số dự án mới, số lượt dự án điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần. Hà Nội tuy không thuộc top 5 địa phương thu hút đầu tư nước ngoài trong năm, song xếp thứ 2 về số dự án mới và số lượt góp vốn mua cổ phần.

Top 10 về thu hút vốn FDI trong năm 2021 lần lượt là: Hải Phòng, Long An, TP HCM, Bình Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Đồng Nai, Cần Thơ, Bắc Giang, Quảng Ninh.

Trong số 10 địa phương nói trên, phải kể đến Bắc Ninh, Bắc Giang là hai địa phương tâm dịch của đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Tuy nhiên, từ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, vượt qua khó khăn và triển khai nhiều giải pháp phù hợp, 2 địa phương này trở thành điểm sáng trong thu hút vốn FDI năm qua.

Năm 2021, vốn đăng ký cấp mới vào Bắc Ninh đạt trên 1,17 tỉ USD, vốn đăng ký điều chỉnh tăng hơn 320 triệu USD và góp vốn mua cổ phần đạt trên 171 triệu USD. Nổi bật là dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn của Công ty Amkor Technology trên diện tích khoảng 23 ha tại KCN Yên Phong II-C với tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỉ USD. Trong giai đoạn đầu của dự án đầu tư khoảng 520 triệu USD.

Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, cho biết tỉnh chủ trương thu hút FDI theo hướng “2 ít, 3 cao”. Với đặc thù là địa phương có diện tích nhỏ, nhưng lại có nhiều dự án đầu tư hoạt động, nên tỉnh Bắc Ninh xác định sẽ tiếp tục thu hút đầu tư theo chủ trương “2 ít” nghĩa là ít sử dụng đất với diện tích lớn, ít sử dụng nhiều lao động. Theo bà Giang, “3 cao” chính là thu hút các dự án có suất vốn đầu tư cao, hiệu quả cao để thu về ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao.

Để đạt được kết quả ấn tượng trong thu hút vốn FDI năm 2021, bà Nguyễn Hương Giang nhấn mạnh tỉnh Bắc Ninh tập trung bảo vệ vùng xanh của khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để doanh nghiệp yên tâm sản xuất – kinh doanh.

Cùng với đó, giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp; cải cách thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền, sửa đổi quy chế quản lý khu công nghiệp; hằng tháng giao ban với Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Bắc Ninh triển khai các giải pháp cụ thể để bảo đảm nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, với phương châm vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa phục hồi, phát triển sản xuất trên địa bàn”- bà Nguyễn Hương Giang cho hay.

Doanh nghiệp thích ứng để sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19

Trong năm 2022, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thu hút vốn FDI. Đồng thời rà soát những khó khăn, vướng mắc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ sau đầu tư… thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh tiến độ xây dựng công trình dự án trọng điểm, có tính chất liên kết phát triển vùng; đẩy mạnh giải phóng mặt bằng khu, cụm công nghiệp tạo mặt bằng cho nhà đầu tư.

Đối với Bắc Giang, địa phương này về đích ở vị trí thứ 9 trên cả nước trong thu hút vốn FDI năm 2021. Trên 1,3 tỉ USD vốn FDI đã “đổ” vào địa phương này, dù thời điểm tháng 5-2021, hàng loạt khu công nghiệp tại tỉnh phải tạm dừng hoạt động do dịch. Trong số 1,3 tỉ USD vốn FDI, có hơn 621 triệu USD vốn cấp mới, còn lại là điều chỉnh tăng vốn và góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài.

Một số dự án FDI lớn ở Bắc Giang trong năm qua như dự án của Foxconn với tổng mức đầu tư 0,3 tỉ USD, Dự án Fukang Technology cũng có số vốn đăng ký 0,3 tỉ USD. Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết những năm qua, tỉnh luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút những tập đoàn sản xuất lớn của thế giới.

Khi dịch cơ bản được kiểm soát, ông Dương cho hay, tỉnh Bắc Giang đã khẩn trương ban hành được kế hoạch khôi phục sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất an toàn. Ngoài các giải pháp về xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, việc đầu tư vào hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, nhà ở cho công nhân… cũng là một trong những yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư chọn Bắc Giang là điểm đến đầu tư.

Hải Phòng dẫn đầu

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2021, tổng thu hút vốn FDI của Hải Phòng đạt 5,149 tỉ USD, cao nhất cả nước, tăng gần 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Riêng dự án của LG Display Hải Phòng đã có 2 lần điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn điều chỉnh là 2,15 tỉ USD. Đến thời điểm này, LG là tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Hải Phòng. Trong năm vừa qua, Hải Phòng đã thu hút được vốn FDI của các nhà đầu tư lớn, sử dụng công nghệ cao.

LG là tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Hải Phòng

Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp FDI khác tiếp tục tăng vốn tại Hải Phòng như Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP tăng vốn 100 triệu USD; Công ty TNHH Flat Việt Nam tại Khu công nghiệp Đình Vũ tăng vốn 75 triệu USD.

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, cho biết cùng với việc cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, Hải Phòng cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Hải Phòng triển khai có hiệu quả việc xúc tiến đầu tư trực tuyến và tích cực hỗ trợ nhà đầu tư triển khai đưa dự án đi vào hoạt động nhanh chóng, thuận lợi, tạo niềm tin về môi trường đầu tư an toàn, thân thiện và hấp dẫn.

Ông Lê Trung Kiên cho biết TP Hải Phòng rất quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, là điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư. Ông Kiên dẫn chứng về thời gian giải quyết thủ tục hành chính dự án tăng vốn lớn của LG Display đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và các cơ quan liên quan giải quyết cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ từ 3-5 ngày trong các đợt điều chỉnh.

Đã có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong năm 2021. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10,7 tỉ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 19,1% so với cùng kỳ 2020; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 5 tỉ USD, chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,9 tỉ USD , chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,…


Minh Chiến

Chia sẻ