Hội tin học TP HCM (HCA) vừa giới thiệu một số giải pháp công nghệ (do các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước nghiên cứu thực hiện) thích hợp cho các doanh nghiệp, đơn vị để phòng, chống hiệu quả Covid -19 trong giai đoạn bình thường mới.

“Giải pháp theo dõi sức khỏe bệnh nhân từ xa và quản lý ra vào bệnh viện” do công ty TMA Innovation cung cấp với 2 sản phẩm mang tên mCare và T-Check. Theo đó, mCare là một thiết bị đeo giúp theo dõi sức khỏe bệnh nhân từ xa, bệnh nhân sử dụng thiết bị đeo (dạng đồng hồ) để theo dõi nồng độ ôxy trong máu (chỉ số SPO2), nhịp tim, huyết áp, các chỉ số sức khỏe cũng như gởi tín hiệu SOS và kết nối với bác sĩ từ xa. mCare hiện đang được triển khai thử nghiệm tại 2 bệnh viện Covid-19 ở TP, và bệnh nhân F0 tại nhà.

Thông qua thiết bị mCare bệnh nhân F0 có thể tự theo dõi chỉ số SPO2 của mình trên điện thoại cá nhân (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp)

T-Check là giải pháp quản lý ra vào và sàng lọc bệnh nhân tự động tại các cơ sở y tế. Thiết bị này hỗ trợ đo thân nhiệt tự động, cảnh báo không đeo khẩu trang, nhận diện khuôn mặt, khai báo y tế, đọc QR Code, thẻ xanh, thẻ vàng… T-Check có ưu điểm là nhỏ gọn, dễ di chuyển và lắp đặt; chi phí thấp hơn so với Kiosk; dữ liệu được lưu và xử lý tại server nội bộ do cơ sở y tế quản lý.

Nhằm đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid ở các bệnh viện, cơ sở y tế doanh nghiệp công nghệ công tin VNG Cloud đã giới thiệu giải pháp Cloud Camera AI. Các tính năng này hướng đến việc duy trì những biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid trong môi trường cơ sở y tế (với các tính năng như nhận diện khuôn mặt, điểm danh ra vào; kiểm tra thân nhiệt; nhận diện tuân thủ đeo khẩu trang; cảnh báo khu vực nguy hiểm; giám sát hoạt động tại các địa điểm cách ly/điều trị…).

Công ty Cổ phần Công nghệ Phenikaa Maas thì giới thiệu công cụ “Bản đồ Covidmaps” thông qua Covidmaps cơ quan chức năng sẽ dễ dàng xây dựng hệ thống cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh cho người dân một cách trực quan, kịp thời và rõ ràng. Covidmaps sử dụng công nghệ bản đồ “Make in Vietnam” giúp tiết kiệm chi phí triển khai và vận hành; giải pháp có khả năng tùy biến cao, giúp các tỉnh thành có thể chủ động thêm nhiều lớp dữ liệu khác như tiêm chủng, cửa hàng thiết yếu…

Bước đầu Covidmaps đã triển khai ở 18 tỉnh thành tại Việt Nam với hơn 120.000 địa điểm được đưa lên hệ thống. Tổng số lượt truy cập Covidmaps tại 18 tỉnh thành ước tính trên 5 triệu lượt, giúp tiết kiệm hơn 10 tỷ đồng cho các tỉnh thành về kinh phí vận hành, bản đồ.

Bà Phan Thị Quý Trúc (Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ – Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết sở đang thực hiện chương trình HIS-COVID 2021 nhằm tìm kiếm giải pháp hỗ trợ cho nhóm cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ an sinh cho người dân; tìm kiếm những giải pháp cụ thể đã hoàn chỉnh sẵn sàng chuyển giao cho các cơ sở y tế trong điều trị Covid.

Ngoài HIS-COVID 2021, sở cũng đang triển khai những hoạt động kết nối với các chính sách của thành phố đối với những giải pháp đổi mới sáng tạo liên quan đến Covid như chương trình kết nối đầu tư (các quỹ đầu tư, sử dụng ngân sách nhà nước thông qua chương trình SpeedUp); kết nối hình thành phát triển hệ sinh thái cho lĩnh vực y tế, xây dựng hệ sinh thái online/chuyển đổi số trong y tế để kết nối và chia sẻ nguồn lực hiện có trong xã hội, thúc đẩy hình thành những ý tưởng, giải pháp về y tế; hình thành chương trình dài hạn hợp tác giữa tư nhân và nhà nước nhằm tạo ra những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cho TP HCM liên quan đến y tế.


Đức Huy

Chia sẻ