Mở cửa phiên giao dịch buổi sáng, thị trường trong nước hưởng ứng đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ và các nước khác. Cổ phiếu trên sàn đồng loạt tăng giá mạnh kéo VN-Index gần 15 điểm lên 1.062 điểm.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư xem đây là cơ hội để chốt lời ngắn hạn thay vì mua vào để kéo thị trường tăng cao hơn. Kết quả là giá cổ phiếu và các chỉ số dần hạ nhiệt đến cuối ngày VN-Index chỉ còn tăng 2,98 điểm (+0,28%) đạt 1.050,43 điểm. Toàn sàn HoSE có 252 mã tăng (19 mã trần), trong khi có 163 mã giảm. 

Tổng khối lượng giao dịch đạt 792 triệu đơn vị, giá trị 13.730,5 tỉ đồng, giảm nhẹ về khối lượng, nhưng tăng nhẹ về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 124,2 triệu đơn vị, giá trị 2.518,7 tỉ đồng.

Tác động tiêu cực đến VN-Index là nhiều mã vốn hóa lớn trong rổ VN30 chuyển sang sắc đỏ như PDR, SSI, VIC, FPT, MSN, CTG… dù mức giảm không quá lớn. Khối ngoại là một trong những tác nhân khiến các mã trong rổ này đỏ điểm khị họ bán ròng 65,7 tỉ đồng, lần đầu tiên trong hơn 1 tháng qua. Lực bán tập trung vào các mã VNM, HPG, SSI, VIC, SHB, HSG, trong đó riêng VNM bị bán ròng tới hơn 124 tỉ đồng.

Phiên giao dịch cổ phiếu hôm nay 14-12, thị trường suy yếu vào cuối giờ do lực bán chốt lời dâng cao. Ảnh: Tấn Thạnh

Tuy vậy, tính trên toàn sàn, khối ngoại vẫn mua ròng hơn 24 tỉ đồng, tập trung vào các mã NVL, HCM, STB… nhưng là mức mua ròng thấp nhất trong 2 tháng trở lại đây.

Trong nhóm ngân hàng, mã EIB có mức tăng mạnh 6,7% lên 27.200 đồng, khớp 7,6 triệu đơn vị, thì SHB quay đầu giảm 1,4% xuống 10.750 đồng, khớp 21,5 triệu đơn vị, đứng thứ 3 về thanh khoản. SSI cũng có giao dịch sôi động với 20,7 triệu đơn vị.

Ở Sàn Hà Nội, chỉ số không giữ được sắc xanh khi nhiều mã lớn ở sàn này suy yếu. Theo đó, HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,18%), xuống 213,21 điểm. Toàn sàn có 116 mã tăng, nhiều hơn 5 mã so với phiên sáng nhưng số mã giảm tăng lên 61 mã so với chỉ 28 mã của phiên sáng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 93,6 triệu đơn vị, giá trị 1.300,2 tỉ đồng, giảm 5% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên hôm qua.

Ở chiều ngược lại, UPCoM-Index tăng 0,27 điểm (+0,37%), lên 72,11 điểm với 185 mã tăng, 69 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35 triệu đơn vị, giá trị 461,5 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,8 triệu đơn vị, giá trị 67,2 tỉ đồng.

Đáng kể nhất phiên này là các cổ phiếu dầu khí và những nhóm liên quan đến giá dầu như phân bón hóa chất, cao su. Trong đó, nhóm dầu khí tăng tốt nhất, với BSR tăng 4,96%, PVB tăng 4,88%, PAT tăng 5,29%, PVD tăng 4,12%, PVS tăng 2,63%, PVC tăng 3,13%, OIL tăng 2,5%.

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank, trong phiên này, khối ngoại đã tỏ ra thận trọng hơn. Các nhóm ngành đều chịu áp lực điều chỉnh từ cuối phiên sáng. Trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán đóng vai trò chính trong việc dẫn dắt thị trường trong các phiên trước cũng chỉ duy trì được sự tăng nhẹ lần lượt là 0,42% và 0,32%. Lực cầu cuối phiên tìm đến nhóm cổ phiếu hóa chất , dầu khí giúp 2 nhóm này tăng điểm nổi bật hơn với mức tăng lần ượt 1,96% và 1,93%.

Chuyên gia phân tích kỹ thuật của công ty này nhận định, VN Index vẫn đang giằng co tích lũy quanh mốc 1050 điểm. Các chỉ báo ngắn hạn đều đồng loạt cho tín hiệu trung lập thể hiện sự lưỡng lự, thận trọng của nhà đầu tư trong ngắn hạn. Với diễn biến hiện tại, VN-Index sẽ cần thêm thời gian tích lũy trước khi tăng điểm trở lại. Vùng hỗ trợ ngắn hạn gần nhất của chỉ số chung vẫn đang được xác định quanh 1030. Trong trường hợp xấu nhất, nếu lực bán mạnh bất ngờ xuất hiện, VN-Index có thể sẽ điều chỉnh về 990 – 1000.


Tr.Nguyễn