Đầu ngày 11-11, tâm lý của giới đầu tư trong nước có phần lạc quan khi các chỉ số chứng khoán quốc tế như Mỹ, Châu Ậu, Nhật Bản, Trung Quốc đều tăng rất mạnh sau thông tin lạm phát của Mỹ đi xuống.

Ở trong nước, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời tỉ giá VNĐ/USD và lãi suất liên ngân hàng đi xuống, tác động tích cực đến niềm tin của nhà đầu tư đối với chứng khoán Việt.

Những thông tin trên giúp áp lực bán tháo hạ nhiệt tạo điều kiện cho thị trường phục hồi đáng kể trong phiên sáng. Đặc biệt làm cổ phiếu tài chính ngân hàng như STB, MBB, CTG, ACB… bật tăng khá mạnh nhờ sức cầu của tăng đột biến của các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó lan tỏa sức mua đến nhiều nhóm cổ phiếu khác. Riêng nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn còn khá nhiều mã tiêu cực, mất thanh khoản do lực bán giá sàn chiếm áp đảo như NVL, PDR, DIG…

Tuy vậy các chỉ số vẫn phục hồi khá mạn, VN-Index có lúc tăng hơn 16 điểm lên 963 điểm sau đó hạ nhiệt đôi chút vào cuối phiên sáng.

Dù vậy, thanh khoản vẫn chính là điều làm các nhà đầu tư lo lắng khi HoSE chỉ khớp lệnh hơn hơn 4.400 tỉ đồng, giảm nhẹ so với sáng hôm qua.

Đầu phiên chiều, lực cầu mạnh ở nhóm VN30 tiếp tục kéo VN-Index tăng hơn 20 điểm lên 966 điểm lúc 13 giờ 30 phút. Sau đó thị trường rơi vào trạng thái giằng co và đi xuống khi áp lực bán ngày càng lớn.

Phiên giao dịch cổ phiếu hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 135 triệu cổ phiếu, tương ứng 2.479 tỉ đồng.

Chỉ trong vài phút cuối phiên, thị trường hạ nhiệt rất nhanh, lượng cung áp đảo ở hầu hết các nhóm cổ phiếu, ngay cả nhóm ngân hàng cũng thu hẹp đáng kể đà tăng, dù vẫn duy trì sắc xanh nhưng không còn mã nào tăng trên 4%. Vài mã chuyển sang sắc đỏ hoặc tham chiếu như SHB, VIB, VPB…

Nhiều mã bất động sản lại rơi vào tình trạng “sàn cứng” như trong đó đáng chú ý nhất là DIG (Tổng công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng), NVL (cổ phiếu Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va), PDR (cổ phiếu nhà Phát Đạt)… Thậm chí có thời điểm thị trường ghi nhận nhà đầu tư đặt lệnh bán hơn 100 triệu cổ phiếu NVL và PDR nhưng không có ai đặt lệnh mua, ảnh hưởng đáng kể đến đà tăng của VN-Index.

Các nhóm cổ phiếu chứng khoán, dầu khí, xây dựng, bán lẻ, thủy sản, nông nghiệp cũng kịch sàn hàng loạt, tổng cộng 214 mã ở cả 3 sàn HoSE, HNX và UpCoM.

Kết thúc phiên, chỉ số VN- Index vẫn duy trì được mức tăng 7 điểm lên 954 điểm nhờ lực kéo mạnh một vài mã trụ trong VN30 như MSN tăng sát trần, KDH hơn 6,3%, các mã ngân hàng giữ mức tăng khá như ACB 4%, BID 3,75%, CTG 3,74%… . Toàn sàn HoSE có 213 mã tăng, 233 mã giảm trong đó 96 mã nằm tại giá sàn; giá trị giao dịch đạt gần 11.000 tỉ đồng, khối lượng mua- bán thành công 736 triệu cổ phiếu, tăng 38 triệu cổ phiếu so với phiên trước. Trong đó, hơn 3.277 tỉ đồng đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, họ mua ròng STB (Sacombank) 25 triệu cổ phiếu, CTG (Vietinbank) 4,7 triệu cổ phiếu, HPG (thép Hòa Phát) 18 triệu cổ phiếu, KDH (nhà Khang Điền) 19 triệu cổ phiếu…

Chỉ số VN30 tăng mạnh 12 điểm lên 948 điểm với 22 mã tăng, 4 mã giảm. Trong khi phần còn lại của thị trường giảm giá mạnh. Cụ thể, tại Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm 2 điểm còn 189 điểm với 115 mã giảm và 65 mã tăng.

Theo Công ty Chứng khoán Thành Công, tuy VN-Index tăng điểm nhưng dòng tiền chủ yếu đổ vào nhóm cổ phiếu VN30. Tâm lý giao dịch tích cực của nhà đầu tư không xuyên suốt phiên giao dịch, cho thấy áp lực bán còn tương đối lớn. Thế nên, trong các phiên giao dịch tiếp theo, chỉ số VN-Index có thể còn gặp nhiều thách thức.

Công ty Chứng khoán VCBS nhận định sự phục hồi của phiên giao dịch cổ phiếu hôm nay đã phần nào xoa dịu nỗi âu lo nhà đầu tư. Nhưng dòng tiền còn khá thận trọng, thanh khoản của thị trường tiếp tục duy trì ở ngưỡng thấp, chưa có sự cải thiện đáng kể.


Thy Thơ