Tình trạng ì ạch cổ phần hóa (CPH) đã xảy ra liên tục trong những năm qua. Công tác CPH, thoái vốn đến thời điểm này vẫn không đạt tiến độ.

Đụng đâu cũng chậm!

Cục Tài chính doanh nghiệp (DN) – Bộ Tài chính cho biết lũy kế giai đoạn 2016-2020 có 178 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN 443.503 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước chiếm 207.116 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 37 DN thuộc kế hoạch CPH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tổng số 128 DN được phê duyệt – PV). Như vậy, kết thúc năm 2020, còn 91 DN chưa hoàn thành CPH.

Tổng Công ty Viễn thông MobiFone là một trong những doanh nghiệp lớn thuộc diện cổ phần hóa

Hàng loạt “ông lớn” như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Argibank)… lỡ hẹn CPH trong năm 2020. Nhiều DN đến nay vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để xác định giá trị DN. Đáng chú ý, Hà Nội, TP HCM là 2 địa phương “dẫn đầu” danh sách CPH rất chậm với số lượng DN lớn. Cụ thể, Hà Nội còn 13 DN (chiếm 14% kế hoạch), TP HCM còn 38 DN (chiếm 40%). Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cũng được nhắc tên khi còn 6 DN, Bộ Công Thương còn 4 DN và Bộ Xây dựng còn 2 DN.

Đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, có Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, MobiFone, Tổng Công ty Phát điện 2 (EVN Genco2) là những DN thuộc danh mục CPH. Ủy ban đã thành lập ban chỉ đạo CPH tại từng DN nhưng với khối lượng công việc đồ sộ cho nhiệm vụ CPH nên chủ yếu chỉ tập trung rà soát, sắp xếp, xử lý đất đai và trình các địa phương chấp thuận quy hoạch, rồi trình các cơ quan quản lý phê duyệt. Đơn cử như VNPT, tập đoàn này có đến 4.500 điểm đất phải đo, kiểm, sau đó mới chuyển sang bước trình phê duyệt phương án.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN, thừa nhận tiến độ CPH, thoái vốn đang chậm hơn so với kế hoạch được Chính phủ đề ra. Công tác xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch CPH và thoái vốn nhà nước tại DN cũng chưa được quan tâm nghiêm túc.

Theo ông Tiến, số lượng DN CPH tuy tích cực song chủ yếu các DN đã CPH lại không nằm trong kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, công tác quyết toán CPH chưa được thực hiện nghiêm túc tại một số DN, dẫn đến khó khăn trong quá trình hoạt động của công ty cổ phần, ảnh hưởng đến quá trình thoái vốn nhà nước.

Chuyên gia kinh tế – TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thở dài khi nhắc tới câu chuyện chậm CPH. Bởi thực trạng này đã được nói đến rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa có sự cải thiện, số lượng DN cần phải CPH còn lớn và bỏ ngỏ thời điểm hoàn thành nếu thiếu các biện pháp quyết liệt.

Ông chỉ ra một nguyên nhân đó là có tình trạng “trên nóng dưới lạnh” khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc nhưng CPH vẫn ì ạch.

Thiếu quyết liệt

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, công tác CPH, thoái vốn bị chậm là do nhiều DN lớn, tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai. Bên cạnh đó, các DN hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương.

Vướng mắc về đất đai đã làm cản trở tiến trình CPH, một phần do các DN chỉ đến khi CPH mới sắp xếp, xử lý đất đai. Bên cạnh đó là tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các bên liên quan, giữa chủ sở hữu với các địa phương trong việc rà soát, sắp xếp, xử lý đất đai. Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc phát sinh liên quan đến đất đai chậm được giải quyết dứt điểm, né tránh trách nhiệm trong xem xét, xử lý tồn tại, thiếu sót trong thực hiện sắp xếp, xử lý nhà đất tại các DN.

Cơ quan này cũng thẳng thắn chỉ ra tình trạng một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn. “Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, bảo đảm nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn” – đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Tuy vậy, cũng có nguyên nhân khách quan là do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến công tác triển khai CPH, khiến cho quá trình này bị đình trệ, gặp thêm nhiều khó khăn.

Bàn về vai trò người đứng đầu trong công tác CPH, thoái vốn, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng người đứng đầu sợ trách nhiệm, né tránh, lo mất “ghế” đã ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu CPH chung của Chính phủ. Theo ông Doanh, những tồn tại này đã được nhìn thấy nhưng chưa mạnh tay xử lý những người đứng đầu để chậm CPH, do đó nhiều nơi vẫn “đủng đỉnh”, “nhìn trước ngó sau” nhằm thăm dò, chờ đợi…

Kỳ tới: Xử lý dứt điểm những tồn tại

Bán cổ phần không thành công

Bộ Tài chính cho biết theo kế hoạch được phê duyệt về CPH, tổng giá trị dự kiến bán cho các đối tượng gồm nhà đầu tư chiến lược, CB – CNV, tổ chức Công đoàn, bán đấu giá công khai là 98.748 tỉ đồng, tương đương 48% giá trị phần vốn nhà nước tại DN.

Tuy nhiên, thực tế triển khai bán cổ phần đã không thành công theo kế hoạch, tổng giá trị thực tế bán được là 22.748 tỉ đồng, đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại DN.


Bài và ảnh: Minh Chiến

Chia sẻ