Theo nghiên cứu của Quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans vào năm 2020, chỉ có dưới 5% start-up Việt Nam tổ chức được sinh nhật lần thứ 2. Tỉ lệ này quá thấp và cho thấy hành trình khởi nghiệp dù đầy tiềm năng phát triển nhưng cũng rất khốc liệt.

“Ra khơi” một mình nhiều rủi ro

Qua thực tế tiếp xúc nhiều bạn trẻ khởi nghiệp và lắng nghe các chuyên gia, tôi tạm thời rút ra vài yếu tố có thể giúp một người khởi nghiệp thành công.

Đầu tiên, bạn cần có ý tưởng tốt, có chiến lược và kế hoạch cụ thể, biết quản lý tài chính một cách phù hợp. Đương nhiên, chúng ta không thể không nhắc đến yếu tố con người. Việc chọn lựa bạn đồng hành phù hợp, có cùng mơ ước, mục tiêu, bổ sung năng lực cho nhau, đồng cam cộng khổ đi suốt đường dài là vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, ngay cả khi start-up đã chuẩn bị kỹ càng các yếu tố nêu trên thì những rủi ro phát sinh vẫn cứ xảy ra. Khi con tàu khởi nghiệp chông chênh, ai sẽ là người giúp bạn giữ nguyên động lực ban đầu và dẫn dắt toàn đội vượt qua sóng gió?

Ngạn ngữ Trung Quốc có câu “Muốn biết con đường sắp tới chông gai như thế nào, hãy hỏi những người quay về từ đó”. Người đã đi qua chắc chắn có nhiều trải nghiệm, bản lĩnh vững vàng và không ai khác hơn, đó là những thế hệ doanh nhân đi trước. Họ từng “lên bờ xuống ruộng” với nhiều bài học thành công và thất bại.

Lực lượng doanh nhân thành công ở Việt Nam ngày nay rất dồi dào. Họ có sẵn tấm lòng muốn chia sẻ, hỗ trợ thế hệ tiếp nối nhưng cũng rất bận rộn và không biết chắc điều họ có và thứ bạn cần có giống nhau không. Cái khó ở đây là làm sao start-up tìm được cho mình một người đi trước cùng “tần số” và sẵn sàng dành thời gian chia sẻ.

Khi “nhu cầu cho” và “mong muốn nhận” đã sẵn sàng thì hệ sinh thái mentoring xuất hiện. Đó là sân chơi cho mentor – người có kinh nghiệm và mentee – người đi tìm kinh nghiệm gặp gỡ, kết nối, cùng nắm tay nhau đi trên một hành trình. Người có kinh nghiệm trong vai trò mentor – người cố vấn, hướng dẫn – sẽ nắm tay kéo start-up lên, vực họ dậy sau thất bại. Đó vừa là người thầy chỉ đường, dẫn dắt vừa là người bạn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và đồng hành với start-up.

Mentoring là mô hình hữu ích cho các doanh nghiệp trong việc đào tạo đội ngũ kế thừa. Tiếc là hệ sinh thái mentoring chưa được phát triển rộng rãi, đặc biệt là không phải tổ chức nào cũng có thể tự thiết lập được. Thông qua truyền thông và nhu cầu ngày càng lớn của các start-up, hy vọng hệ sinh thái mentoring ngày càng phát triển ở Việt Nam trong tương lai gần.

Người đồng hành nhiều kinh nghiệm

Bằng chứng cho sự cần thiết của mentor đối với các start-up có ở ngay các cộng đồng mentoring mà tôi đang tham gia. Điển hình là SME Mentoring 1 on 1. Đây là một trong những tổ chức mentoring xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam dành cho người khởi nghiệp. Đến nay, họ đã có hơn 20.000 thành viên là các mentor, mentee và quan sát viên. Nhiều start-up thành công đã được các mentor trong tổ chức này dìu dắt ở giai đoạn đầu khởi nghiệp.

Phan Sỹ Quý – người đồng sáng lập chuỗi cơm tấm Phúc Lộc Thọ, một điển hình start-up thành công – cho biết giá trị từ mentoring lớn nhất mà anh nhận được là nhận thức. Quý đúc kết kinh nghiệm rằng mentor giúp các start-up có cái nhìn bao quát, thành công nhanh mà ít trả giá. Thông qua trải nghiệm thành công của người đi trước, người đi sau dễ dàng đưa ra lựa chọn và có quyết định chính xác hơn.

Hồng Vân, khởi nghiệp với Công ty Nấm Tươi Cười khá nổi tiếng trong giới start-up, cũng tiết lộ những trải nghiệm quý giá về mentor. Theo Hồng Vân, nếu không gặp các mentor, chưa chắc cô mạnh mẽ như bây giờ. “Nhờ có các anh chị, lớp trẻ chúng tôi mới hiểu thế nào là doanh nhân tử tế và quyết tâm kế tục tinh thần ấy – tinh thần của người gieo hạt và thả diều” – Hồng Vân bày tỏ.

Những năm gần đây, Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam đã xây dựng thành công một câu lạc bộ mentoring. Nơi này không chỉ nâng đỡ các bạn trẻ khởi nghiệp mà còn ươm mầm những tài năng ngay từ khi còn là sinh viên.

Mentee Vân Anh vừa lên đường tham gia 1 khóa đào tạo tại Ireland ngay sau khi kết thúc hành trình mentoring tại Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam. Vân Anh cho biết trong nhiều tình huống, câu hỏi của mentor như bật công tắc sáng đèn trong đầu start-up. Cách mentor gửi gắm thông điệp qua những câu chuyện kể đời thường, chân thực nhưng để lại dấu ấn mạnh mẽ.

“Người thầy vĩ đại là người truyền cảm hứng. Với tôi, mentor không chỉ truyền cảm hứng mà còn là người đồng hành trên hành trình trưởng thành của mình, giúp tôi nhận ra giá trị bản thân và tin vào chính mình” – Vân Anh thổ lộ.

Những nhận định trên từ các mentee cũng là start-up phần nào phản ánh khách quan vai trò của mentor. Mentor và mentee là mối quan hệ nhân văn – hai bên cùng tự nguyện nhưng được bảo hành bởi một tổ chức và rất hữu ích cho thế hệ trẻ lập nghiệp cũng như khởi nghiệp. 

Mentoring là mô hình hữu ích cho các doanh nghiệp trong việc đào tạo đội ngũ kế thừa. Tiếc là hệ sinh thái mentoring chưa được phát triển rộng rãi, đặc biệt là không phải tổ chức nào cũng có thể tự thiết lập được. Thông qua truyền thông và nhu cầu ngày càng lớn của các start-up, hy vọng hệ sinh thái mentoring ngày càng phát triển ở Việt Nam trong tương lai gần.


Lê Thị Thanh Lâm (mentor, tác giả sách)