Chuyên gia lượng hóa chi phí các gói hỗ trợ nền kinh tế của ngân hàng

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo “Lượng hóa các Gói hỗ trợ tiền tệ – tín dụng đối với nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2020-2021 và một số kiến nghị”.

Mở đầu báo cáo, Nhóm tác giả nhận định, thời gian qua, trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng Việt Nam đã vào cuộc quyết liệt, kiểm soát cơ bản được dịch bệnh, từng bước tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Theo Nhóm tác giả, đợt dịch lần 4 từ cuối tháng 4/2021 trở lại đây vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân, hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp và nền kinh tế…

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam khoảng 4,8% (khá tương đồng với kịch bản cơ sở của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV là 4,8-5%), nhưng sẽ phục hồi và dự báo tăng trưởng 6,5% năm 2022. Lạm phát bình quân năm 2021 khoảng 3,2% (cao hơn dự báo của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV là 2,8-3%).

Với vai trò kênh dẫn vốn chủ yếu của nền kinh tế (chiếm gần 50% tổng lượng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2020), từ đầu năm 2020 tới nay, ngành ngân hàng đã có nhiều chính sách, biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân như miễn giảm lãi, phí; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; cung ứng vốn cho nền kinh tế, kiểm soát chất lượng tín dụng; thúc đẩy ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt; đóng góp an sinh xã hội…v.v., dù bản thân ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức trong hoạt động như các doanh nghiệp khác của nền kinh tế.

Báo cáo này lượng hóa các gói hỗ trợ tiền tệ – tín dụng đối với nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2020-2021, nhận diện một số khó khăn và kiến nghị giải pháp tiếp theo nhằm góp phần giúp các chính sách đạt mục tiêu đề ra.

Chính sách điều hành lãi suất và tín dụng của NHNN

Trong năm 2020, NHNN đã linh hoạt điều hành thị trường mở, điều chỉnh giảm 3 lần lãi suất điều hành, tổng mức giảm 1,5-2%/năm, hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện để TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN, từ tổ chức kinh tế và dân cư với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất huy động vốn và cho vay, đưa mặt bằng lãi suất về mức thấp nhất trong 20 năm qua.

Đồng thời, NHNN ban hành Thông tư số 08/2020 sửa đổi Thông tư số 22/2019, lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ dùng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn thêm l năm nhằm giảm chi phí huy động vốn và duy trì dư nợ trung – dài hạn cho khách hàng.

Tháng 7/2021, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi 16 NHTM (chiếm 75% tổng dư nợ toàn hệ thống) giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, nhiều ngân hàng (BIDV, Vietcombank, MB, Agribank, TPBank, ACB, HDBank, Sacombank…) đã đồng loạt công bố giảm lãi suất đối với cả dư nợ hiện hữu và cho vay mới từ 0,5-1% đối với khách hàng cá nhân và 1-2% đối với khách hàng doanh nghiệp, tập trung vào những ngành, lĩnh vực hoặc đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, với số tiền được lượng hóa cụ thể dưới đây.

Về tín dụng, đến cuối năm 2020, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 12,17% (thấp hơn bình quân giai đoạn 2016-2020 là 15,2% nhưng cao nhất khu vực Đông Nam Á). Năm 2021, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 12%.

Thực tế, tăng trưởng tín dụng hết tháng 6/2021 đạt 6,44% (theo NHNN), thấp hơn mức tăng 7,36% của cùng kỳ năm 2019, nhưng cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020 (+3,65%), cho thấy hoạt động tín dụng đã có dấu hiệu hồi phục trong nửa đầu năm 2021. Với tình hình dịch bệnh còn phức tạp, lực cầu nền kinh tế còn yếu, khả năng tín dụng cả năm nay tăng khoảng 10-11%.

Chính sách cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn, giảm lãi, phí

Để hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, NHNN đã ban hành Thông tư 01 ngày 13/3/2020 tạo khuôn khổ pháp lý để các TCTD có thể cơ cấu lại nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ để khách hàng có thể tiếp cận được vốn; miễn, giảm lãi, phí…v.v. NHNN cũng đã ban hành Thông tư 03 ngày 3/4/2021 sửa đổi Thông tư số 01/2020 với 04 điểm khác biệt/sửa đổi chính: (i) bổ sung một số điều kiện để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, trong đó nới rộng đối tượng và điều chỉnh thời gian cơ cấu lại nợ; (ii) mở rộng phạm vi các khoản nợ được miễn, giảm lãi, phí, gồm khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng…v.v; kéo dài đến ngày 31/12/2021; (iii) cho phép giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại và đủ điều kiện được cơ cấu lại đến hết năm 2023; (iv) yêu cầu các TCTD trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) với lộ trình 3 năm (đến hết năm 2023)…v.v.

Theo NHNN, đến hết tháng 07/2021, các TCTD đã thực hiện: (i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 198 nghìn khách hàng với dư nợ 309 nghìn tỷ đồng; (ii) Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 787 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1,4 triệu tỷ đồng; (iii) Cho vay mới lãi suất thấp hơn 0,5-2% so với trước dịch với doanh số lũy kế từ đầu dịch đến nay hơn 4 triệu tỷ đồng cho 525 nghìn khách hàng.

Sang tháng 8/2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, NHNN đang lấy ý kiến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 với mục tiêu chính là: (i) mở rộng phạm vi cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với dư nợ phát sinh từ 23/1/2020 đến trước ngày 1/8/2021 (hiện nay là ngày 10/6/2020), (ii) gia hạn thời gian thực hiện cơ cấu lại đối với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 (hiện nay là ngày 31/12/2021). Theo Hiệp hội Ngân hàng, dự kiến sẽ có thêm khoảng 600 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ được cơ cấu lại theo Thông tư sửa đổi. Như vậy, nợ xấu tiềm ẩn sẽ còn tăng và dự phòng rủi ro cũng tăng lên, kéo theo lợi nhuận hệ thống các TCTD sẽ bị ảnh hưởng, khó duy trì đà tăng trưởng như thời gian vừa qua.

Chính sách miễn, giảm phí dịch vụ

Năm 2020, NHNN đã ban hành 2 Thông tư hướng dẫn về giảm 50% mức phí thanh toán, đợt 1 đến ngày 31/12/2020, đợt 2 gia hạn đến hết ngày 30/6/2021. Sang năm 2021, sau khi chỉ đạo NAPAS tiếp tục chính sách giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, NHNN đã yêu cầu các TCTD tiếp tục duy trì chính sách miễn, giảm phí dịch vụ cho khách hàng, áp dụng từ ngày 1/8/2021 đến ngày 31/12/2021. Theo đó, các dịch vụ được miễn giảm, phí chủ yếu gồm dịch vụ thanh toán, chuyển tiền thông thường, chuyển tiền ủng hộ phòng chống dịch bệnh, các giao dịch online dịch vụ công …v.v. Tổng số tiền các TCTD miễn, giảm phí này kể từ đầu dịch đến nay khoảng 1,1 nghìn tỷ đồng.

Chính sách tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho vay trả lương ngừng việc cho người lao động

Thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Quyết định số 15/2020 ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH cho vay lãi suất 0% đối với doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhằm trả lương cho người lao động với tổng số tiền tái cấp vốn là 16.000 tỷ đồng, thời hạn giải ngân đến hết ngày 31/01/2021. Kết thúc chương trình, NHCSXH đã cho vay tại 56 tỉnh, thành phố với dư nợ 41,82 tỷ đồng cho 245 người sử dụng lao động để trả lương cho 11.276 người lao động.

Ngày 01/07/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tổng giá trị khoảng 26 nghìn tỷ đồng. Trong đó, phần cho vay lãi suất 0% hỗ trợ trả lương là 7,5 nghìn tỷ đồng (28,8%), thời hạn giải ngân đến hết ngày 31/3/2022. Tính đến ngày 17/8/2021, NHCSXH đã giải ngân gần 170 tỷ đồng cho 267 người sử dụng lao động.

Ngoài 4 chính sách hỗ trợ trên, năm 2020, ngành ngân hàng tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 khoảng 140 tỷ đồng và năm 2021 đến nay là khoảng 700 tỷ đồng.

(TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện đào tạo và Nghiên cứu BIDV)