Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng: Yêu cầu tất yếu

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới đã xây dựng được chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Trong đó, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 đã chỉ rõ 8 lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, cần ưu tiên chuyển đổi số trước, trong đó có lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Với vai trò mạch máu của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác.

Trao đổi về vấn đề trên, GS. TS Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thời gian qua ngành tài chính đã đạt được những thành công trong cải cách, ứng dụng tin học hóa và số hóa.

Đặc biệt, hai lĩnh vực nổi trội về quản lý thuế và hải quan đã có bước tiến vượt bậc, mang tính chất thay đổi căn bản, chuyển từ phương thức quản lý dịch vụ công dựa trên giấy tờ, giao tiếp trực tiếp chuyển sang phương thức quản lý hiện đại, dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng thiết bị hiện đại để số hóa.

Cụ thể, Tổng cục Thuế thực hiện chương trình kê khai nộp thuế thông qua hệ thống công nghệ thông tin, triển khai hệ thống kê khai thuế điện tử kết nối được với hệ thống ngân hàng để thực hiện quá trình giao dịch, nộp tiền, chuyển tiền, thanh toán tiền doanh nghiệp đã giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Với ứng dụng công nghệ thông tin kết nối với ngân hàng và thực hiện dịch vụ 24/7, các thủ tục đã được thực hiện nhanh chóng, giúp thời gian hao phí trước đây tính bằng giờ, bằng ngày thì nay tính bằng phút.

Ngoài ra, ngành Hải quan hiện có đến 99% thủ tục thông quan đều được thông quan điện tử và gần như các doanh nghiệp tiếp nhận ngay phương thức này. Ngân hàng Thế giới đã có đánh giá khách quan và thừa nhận thành công này của ngành Hải quan. Theo tính toán, sự cắt giảm thời gian nhờ thông quan điện tử đã tiết kiệm 200 triệu USD/năm.

Cũng theo GS. TS Hoàng Văn Cường, điều này không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực cho doanh nghiệp, người dân mà còn tăng tính công khai, minh bạch; làm thay đổi phương thức giao tiếp, giảm thiểu tiêu cực, tạo ra môi trường kinh doanh có lợi cho doanh nghiệp, thu hút nhà đầu tư yên tâm đầu tư kinh doanh trong nền kinh tế.

Chuyển đổi số cần đồng đều hơn

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực chuyển đổi số Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng tác động của dịch Covid-19 gây nhiều thiệt hại nhưng đó cũng là “sức ép” buộc đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số. Trong bối cảnh dịch bệnh có thể còn kéo dài, doanh nghiệp nào tiếp cận được khách hàng qua online nhiều nhất sẽ ít bị thiệt hại nhất.

Ngược lại, sự chậm trễ trong chuyển đổi số khiến doanh nghiệp dễ bị tổn thương. Do đó, việc đổi mới cách thức quản trị, tích tụ dữ liệu thông minh cho doanh nghiệp, sử dụng hiệu quả các nền tảng trực tuyến sẽ có nhiều cơ hội vượt qua khó khăn, thậm chí tận dụng cơ hội phát triển.

Riêng với lĩnh vực ngân hàng, ngay từ năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép triển khai mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC). Điều này giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc và trong bối cảnh dịch Covid-19, các ngân hàng vẫn có thể phát triển giao dịch mở tài khoản từ xa.

Tuy nhiên, theo đại diện VNPT, dù Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi số nhưng hoạt động này trên thực tế diễn ra vẫn chưa đồng đều, trong đó, các cơ quan Nhà nước thường chưa đáp ứng kịp nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Từ đó, ông Ngô Diên Hy cho rằng để thích ứng, các cơ quan Nhà nước cũng cần triển khai chuyển đổi số đồng đều hơn, coi đây là thời điểm đẩy nhanh tiến trình số hóa, cải cách.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính) cũng thông tin, năm 2018, Bộ Tài chính đã sửa đổi Nghị định giao dịch điện tử để hoạt động điện tử ngành tài chính làm nền tảng cho kinh tế số, Chính phủ số, được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá là dấu mốc của cải cách hành chính năm 2018 và đây là ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp. “Năm 2030, chúng tôi kỳ vọng, quyết tâm thông qua ngành tài chính hiện đại vững mạnh dẫn dắt sự phát triển kinh tế số dựa trên đẩy mạnh giá trị gia tăng của các dịch vụ tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế,…”, TS Nguyễn Việt Hùng cho biết.

Có thể nói, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và là xu thế tất yếu trên thế giới được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Đặc biệt, dưới tác động của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đã không còn là lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và doanh nghiệp, hướng đến sự phát triển bền vững.