Thị trường chứng khoán (TTCK)ngày 16-5 lại làm nhà đầu tư hụt hẫng khi kéo tăng mạnh đầu phiên rồi “quay ngược” cuối phiên.

Xem xét bỏ phiên ATC

Trong phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index có lúc tăng tới hơn 32 điểm – lên 1.215 điểm, với hàng loạt cổ phiếu tăng kịch trần hoặc tăng mạnh 4%-5% nhưng áp lực bán mạnh xuất hiện vào cuối phiên chiều khiến chỉ số đóng cửa giảm 10,82 điểm (-0,91%), về mốc 1.171,95 điểm. Như vậy, VN-Index đã mất gần 44 điểm so với lúc cao nhất phiên và là phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp của chỉ số này.

Trước đó, thị trường đã có nhiều phiên giảm điểm rất mạnh vào cuối giờ với hàng loạt cổ phiếu “nằm sàn” tạo tâm lý hoang mang, lo sợ dẫn tới bán tháo của nhà đầu tư cá nhân. Ngay cả những chuyên gia lâu năm cũng không lý giải được sự sụt giảm quá đà này. Với những phiên bán tháo như vậy, nhà đầu tư nước ngoài thường mua ròng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng.

Đáng chú ý, sự trồi sụt bất thường này không phải chỉ làm nhà đầu tư hoang mang mà chính cơ quan quản lý cũng nhận ra và đang có những điều chỉnh nhằm ổn định thị trường. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Nguyễn Văn Trình nhận định những biến động bất thường gần đây đã khiến vốn hóa của thị trường “bốc hơi” hàng chục tỉ USD nhưng một số giải pháp của cơ quan quản lý nhà nước là Ủy ban Chứng khoán nhà nước đến thời điểm này chưa thật sự hiệu quả. Vẫn cần thêm những giải pháp khác để minh bạch thị trường, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.

Nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại rất lớn sau nhiều tuần sụt giảm liên tục của thị trường chứng khoán Ảnh: PHẠM ĐÌNH

Chẳng hạn, việc Ủy ban Chứng khoán nhà nước giao Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM phải đưa ra các cảnh báo, yêu cầu doanh nghiệp (DN) niêm yết công bố thông tin khi các mã cổ phiếu có tăng, giảm giá trần, giá sàn từ 5 – 10 phiên sẽ không đem lại nhiều tác dụng vì khi đó, DN có thể giải thích cổ phiếu tăng/giảm là do xu hướng thị trường.

Nhưng nếu áp dụng giải pháp là thông qua các lệnh mua bán của công ty chứng khoán để nắm những giao dịch bất thường với mã cổ phiếu đó sẽ có biện pháp xử lý hiệu quả hơn. Riêng yêu cầu công khai số liệu giao dịch tự doanh công ty chứng khoán là một giải pháp hiệu quả, giúp tăng tính minh bạch cho thị trường, nhà đầu tư có thể dễ dàng theo dõi, nắm bắt xu hướng cổ phiếu mua hay bán nhiều.

“Một vấn đề cần xử lý là nên bỏ phiên ATC – phiên giao dịch xác định mức giá đóng cửa của cổ phiếu cho ngày hôm trước và giá tham chiếu cho ngày hôm sau. Bởi chỉ 15 phút trong phiên ATC, cổ phiếu có thể bị “làm giá”, đảo lộn cả xu hướng của cổ phiếu trong ngày. Vì phiên ATC hiện nay có sự can thiệp rất lớn của nhà tạo lập. Ở các nước cũng không có phiên này, nên cơ quan quản lý cần xem xét bỏ phiên ATC để tạo sự minh bạch cho thị trường” – PGS-TS Nguyễn Văn Trình nói.

Kiến nghị cho phép mua bán khống cổ phiếu

TS Lê Đạt Chí (Trường ĐH Kinh tế TP HCM) chỉ ra một điểm bất thường khác là nhà đầu tư lách luật bán khống cổ phiếu bởi TTCK Việt Nam chưa cho phép mua bán khống cổ phiếu. Theo đó, khi các nhà đầu tư nhận định thị trường sẽ còn tiếp tục sụt giảm, họ âm thầm thỏa thuận vay mượn cổ phiếu của nhau để bán rồi chờ giá cổ phiếu đó giảm đến mức độ nào đó sẽ mua lại để hưởng chênh lệch.

Ví dụ, ông A giao tiền cho ông B để nhờ ông B bán cổ phiếu C do chính mình sở hữu ở mức giá cao. Khi giá cổ phiếu C giảm, ông B liền mua vào rồi chia lợi nhuận cho ông A. Điều này phần nào lý giải vì sao thời gian gần đây cổ phiếu trên sàn cứ “cắm đầu đi xuống” trong nhiều tuần liên tục dù nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều nhận định TTCK Việt Nam đang “rất rẻ”, triển vọng kinh tế tăng trưởng tốt.

Để giải quyết vấn đề này, TS Lê Đạt Chí góp ý cơ quan quản lý nên cho phép mua bán khống cổ phiếu vì hầu hết các TTCK phát triển đều chấp nhận loại giao dịch này. Theo ông, đây là một trong những giải pháp giúp TTCK Việt Nam phát triển bền vững. Vì khi thị trường bị bán khống, nhiều nhà đầu tư sẽ nhanh chóng bỏ vốn mua lại, giúp cân bằng vị thế mua – bán, tạo đà cho giá cổ phiếu tăng trở lại” – ông Chí giải thích.

Kiểm soát chặt thị trường phái sinh

Các chuyên gia còn kiến nghị cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt chẽ hơn chứng khoán phái sinh vì thời gian qua thị trường này tác động rất lớn đến chứng khoán cơ sở. Thanh khoản trên thị trường phái sinh những ngày qua tăng đột biến khi nhà đầu tư đua nhau bỏ giao dịch chứng khoán cơ sở để chuyển qua phái sinh – dù thị trường này được cảnh báo là rất rủi ro, có thể mất trắng bất cứ lúc nào.

Bởi trong đợt sụt giảm vừa qua, bất kể cổ phiếu tốt hay xấu, vốn hóa lớn (blue-chips), vốn hóa nhỏ (penny) đều giảm sàn liên tục mà không rõ nguyên nhân. Thậm chí một số cổ phiếu lớn trong rổ VN30 còn bị thao túng để phục vụ việc tăng/giảm ở thị trường phái sinh.

“Cần tính toán, điều chỉnh tỉ lệ của những cổ phiếu trong rổ VN30 để tránh tác động tiêu cực đến thị trường chung, không thể TTCK có hàng ngàn mã cổ phiếu nhưng khi một vài mã blue-chips bị giảm mạnh ngay lập tức tác động lên thị trường và lan tỏa ra cả ngàn mã khác. Ở nước ngoài, các rổ chỉ số như VN30 được tách ra một bảng giao dịch riêng, không nằm trong rổ VN-Index để tránh tác động tiêu cực, “vạ lây” cho cả thị trường” – PGS.TS Nguyễn Văn Trình nói.

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng việc TTCK cơ sở chưa thực sự phát triển lành mạnh mà cơ quan quản lý để thị trường phái sinh quá lớn như thời gian qua là chưa cần thiết. Bởi thị trường phái sinh không tạo ra thị trường vốn mà chỉ là sân chơi để nhà đầu tư lướt sóng, ăn thua nhau… Trong khi nhà đầu tư, DN niêm yết cần phát triển TTCK cơ sở ổn định, bền vững để đầu tư và huy động vốn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh.

ThS Nguyễn Anh Vũ, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho rằng việc cần làm hiện nay là cơ quan quản lý sớm có biện pháp ngăn chặn các hoạt động thao túng, đẩy giá khiến cổ phiếu của những DN làm ăn không tốt nhưng giá lại tăng rất mạnh, đồng thời cần giám sát, tạo điều kiện để các tổ chức phát hành có liên quan cung cấp thông tin đầy đủ cho nhà đầu tư. Còn lại cứ để thị trường và nhà đầu tư tự điều chỉnh.

“Nhà đầu tư chứng khoán có nhiều phương pháp để tiếp cận thị trường. Ai có đủ niềm tin, đủ kiên nhẫn và đủ tiềm lực tài chính sẽ ra quyết định đúng, phù hợp để tối đa hóa lợi nhuận, giảm bớt thiệt hại” – ông Vũ nói.

Ở góc độ khác, GS-TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, nhìn nhận một trong những yếu tố khiến nhiều người trong thời gian gần đây thiếu tin tưởng để nắm giữ cổ phiếu, vì họ lo ngại DN, đặc biệt là DN bất động sản, thiếu vốn để đầu tư, kinh doanh sau vụ Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 lô trái phiếu và các công ty bất động sản, chứng khoán… bị thanh tra hoạt động mua bán trái phiếu. Bởi sau những vụ việc này, các công ty thuộc các lĩnh vực khác dù có tiềm năng, hoạt động tốt nhưng chưa đủ điều kiện vay vốn ngân hàng sẽ khó phát hành trái phiếu để huy động vốn từ dân cư, thậm chí là không thực hiện được.

Thanh tra, kiểm tra các tổ chức kinh doanh chứng khoán

Ngày 16-5, Bộ Tài chính cho biết ngay trong tháng 5 này, bộ sẽ khẩn trương thực hiện rà soát các vướng mắc, bất cập của quy định pháp luật chứng khoán, các nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán năm 2019. Đặc biệt, các đơn vị thuộc bộ sẽ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán được chấp thuận trên cơ sở kế hoạch đã được điều chỉnh; xử lý nghiêm vi phạm trên cơ sở kết quả giám sát.

“Thực hiện giám sát chặt chẽ các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường; kịp thời phối hợp với các sở giao dịch chứng khoán có đánh giá, phân tích, tiến hành kiểm tra giao dịch đối với các giao dịch có dấu hiệu vi phạm quy định; thực hiện giám sát hoạt động của các công ty đại chúng; thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra các DN kiểm toán đối với DN niêm yết, công ty đại chúng, chú ý đối với các DN có khách hàng có báo cáo tài chính sai lệch hoặc có nhiều sai sót” – đại diện Bộ Tài chính nêu rõ.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cho biết sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu DN, đặc biệt là phát hành không có tài sản bảo đảm; tiếp tục triển khai đề án tái cấu trúc TTCK theo đúng lộ trình và quy định pháp luật…

M.Chiến


Sơn Nhung – Thy Thơ – Linh Anh