Quyết định áp thuế chống bán phá giá 42,99% và chống trợ cấp 4,65% (tổng cộng gần 48%) đối với đường mía xuất xứ Thái Lan được Bộ Công Thương ban hành vào chiều 15-6, có hiệu lực 5 năm (trừ trường hợp được thay đổi hoặc gia hạn). Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu đường Thái Lan sang Việt Nam. Quyết định này không hồi tố đối với lượng đường Thái Lan đã xuất khẩu trước đó sang Việt Nam do không có sự gia tăng đột biến về sản lượng nhập khẩu trong giai đoạn điều tra đến khi bị áp thuế tạm thời.

So với biểu thuế tạm thời được Bộ Công Thương ban hành hồi tháng 2 vừa qua, mức thuế chống bán phá giá chính thức giảm nhẹ (từ 44,23% xuống 42,99%), còn mức thuế chống trợ cấp giữ nguyên ở mức 4,65% và không phân biệt đường thô hay đường tinh luyện. Trước đó, đường thô từ Thái Lan được áp thuế thấp hơn dù biên độ phá giá và trợ cấp như nhau.

Một chuyên gia trong ngành mía đường cho hay quyết định này rất có ý nghĩa vì các nhà máy sẽ phải phát triển vùng nguyên liệu trong nước, tăng giá thu mua cho nông dân thay vì mua đường thô giá rẻ từ Thái Lan (do bán phá giá và được trợ cấp) để tinh luyện.

Như vậy, khi Việt Nam áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường Thái Lan, nguồn đường từ nước này không còn lợi thế giá rẻ như trước trong khi nguồn hàng này chiếm hơn 90% tổng lượng đường nhập khẩu.

Từ nay, khi doanh nghiệp nhập khẩu đường từ Thái Lan sẽ phải chịu 5% thuế nhập khẩu và gần 48% thuế bổ sung (tổng cộng gần 53%). Ngay với lượng đường nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khoảng 108.000 tấn của năm 2021, doanh nghiệp trúng thầu cũng sẽ không chọn nguồn Thái Lan khi phải chịu thuế 25% cộng thêm thuế chống phá giá và chống trợ cấp bổ sung gần 48% (tổng cộng 73%).

Vấn đề sắp tới có thể xảy ra là tình trạng đường Thái Lan lẩn tránh thuế chống bán phá giá bằng cách mượn xuất xứ các nước trong khối ASEAN để được hưởng thuế suất ưu đãi 5%.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã xác định đường nhập khẩu vào Việt Nam từ các quốc gia ASEAN như Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Singapore thực chất đều có xuất xứ từ Thái Lan vì các quốc gia này không có năng lực xuất khẩu đường sản xuất từ mía trong nước của họ.


Ngọc Ánh

Chia sẻ