Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) ngày 19-11 đã tổ chức hội nghị Cơ cấu lại thị trường du lịch để định hướng sản phẩm thu hút khách dịp cuối năm và những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới giảm khoảng 1,1 tỉ lượt khách, thiệt hại lên tới 1.100 tỉ USD, khoảng 100-120 triệu lao động trong ngành du lịch mất việc làm.

Giảm giá không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu mà quan trọng hơn là sản phẩm mới, có tính chất cá biệt hóa cao, đem lại nhiều trải nghiệm khác biệt. Ảnh: Bạch Hoàng Dương

Ngay sau khi đạt mức tăng trưởng kỷ lục vào tháng 1-2020, du lịch Việt Nam rơi vào khủng hoảng do dịch Covid-19 bùng phát. Năm 2020, dự kiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm trên 80% so với năm 2019.

Cũng theo ông Khánh, với du lịch nội địa, mặc dù Bộ VH-TT-DL cùng các địa phương, doanh nghiệp tổ chức nhiều chương trình kích cầu, giảm giá nhưng dự báo cũng giảm 50% so với năm 2020. Ngành du lịch Việt Nam thất thu khoảng 23 tỉ USD trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, trong đó từ thị trường khách quốc tế là 16 tỉ USD và 7 tỉ USD với thị trường khách nội địa. Đến nay, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn ở các thành phố lớn, các khu du lịch chỉ đạt từ 10-15%, nhiều khách sạn phải đóng cửa và cho nhân viên nghỉ việc.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh cần phải thay đổi toàn bộ chiến lược, kế hoạch và cấu trúc của ngành. “Đơn cử như thị trường khách quốc tế chỉ chiếm 1/5 tổng lượng khách, nhưng đóng góp tới 55% doanh thu toàn ngành. Do đó, vấn đề chính đặt ra là cần đánh giá lại, xem xét lại cơ cấu ngành, trong đó có cơ cấu thị trường khách, coi đây là cơ hội mở ra giai đoạn mới, trong đó đánh giá lại toàn diện thị trường nội địa”- ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.

Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng này đang tái cơ cấu lại đường bay theo diễn biến của dịch bệnh. Khi các đường bay quốc tế bị hạn chế thì hãng đã mở mới gần 22 đường bay trong nước mới trước đó chưa từng khai thác, với sản lượng khách nội địa tăng 30%.

Đại diện của hãng hàng không quốc gia cho hay lúc này các hãng hàng không và doanh nghiệp lữ hành đều mong muốn có thể hiểu rõ thị hiếu của nhóm khách nội địa. Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra con số có khoảng 10 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài mỗi năm và chi tiêu lớn, nhưng hành vi tiêu dùng của nhóm khách này thì gần như không có. Trên thực sản phẩm du lịch đang bán hiện nay là những sản phẩm truyền thống, chưa có sản phẩm mới với doanh thu chưa cao.

“Hiện các doanh nghiệp lữ hành cũng đang phối hợp với địa phương để khảo sát những điểm đến mới như tại Sơn La, Thanh Hóa… Bên cạnh đó, các điểm đến hướng đến loại hình du lịch nghỉ dưỡng mới phát triển bền vững cũng được quan tâm”- đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Ông Ngô Minh Đức, Tổng Giám đốc HG Group, nhận định thói quen lựa chọn điểm du lịch của khách đã thay đổi rất nhiều sau dịch Covid-19. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, cho rằng hiện yếu tố hấp dẫn và quan trọng nhất với du khách là sản phẩm mới lạ, độc đáo, mang lại nhiều trải nghiệm khác biệt cho du khách chứ không phải là giá thành.

Bình Liêu (Quảng Ninh), điểm đến mới rất được yêu thích của du khách trẻ.

“Khi nhà nhà làm tour nội địa, du khách sẽ có nhiều lựa chọn hơn và, trở nên khắt khe hơn khi tìm kiếm các nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm. Giảm giá không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu mà quan trọng hơn là sản phẩm mới, có tính chất cá biệt hóa cao, đem lại nhiều trải nghiệm khác biệt cho khách hàng” – ông Hoan nói.

Đón đầu mùa du lịch mới, Flamingo Redtours lần đầu tiên giới thiệu bốn dòng sản phẩm độc đáo là chùm tour “du lịch chậm” dành riêng cho người trung niên, cao tuổi như thăm lại chiến khu Việt Bắc, khám phá 4 tỉnh Tây Nguyên; chùm tour “Tôi yêu đất nước tôi – Chinh phục cực Tây tổ Quốc”, chùm tour “Cùng nhau đi trọn giang sơn” đưa khách đến các điểm tham quan thiên vốn được mệnh danh là thiên đường sống ảo, phù hợp tổ chức các hoạt động khám phá, teambuilding như Pù Luông (Thanh Hóa), Bình Liêu (Quảng Ninh) , Simacai (Lào Cai) , Na Hang – Lâm Bình (Tuyên Quang)… Ông Nguyễn Công Hoan kỳ vọng những sản phẩm mới sẽ nhận được sự quan tâm của đông đảo du khách, đặc biệt những người trẻ.


Yến Anh

Chia sẻ