Chi Cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 (Cục Hải quan TP HCM) đã tiến hành tiêu hủy phế liệu tồn đọng nhiều năm qua vì không đủ điều kiện nhập khẩu, không đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường.

Theo đó, đợt 1 có tổng cộng 357 container loại 40 Feet của 10 hãng tàu được tiêu hủy từ cuối tháng 3 đến cho đến khi hoàn thành.

Đoàn giám sát theo dõi quá trình kiểm tra seal, mở container phế liệu tại nhà máy ở Bà Rịa- Vũng Tàu

Địa điểm tiêu hủy là 3 nhà máy ở các tỉnh, thành phố: TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai do các hãng tàu chọn. Hình thức tiêu hủy là ép, xay cắt, sau đó đốt trong lò đốt 2 cấp có hệ thống xử lý khí thải hoặc lò đốt chất thải công nghiệp.

Tổ Giám sát kiểm tra và lưu giữ các hình ảnh tiêu huỷ

Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1- Tổ trưởng Tổ Giám sát, cho biết Tổ Giám sát phân công cụ thể nhiệm vụ của từng bộ phận để bảo đảm công tác tiêu hủy an toàn, đúng quy định.

Đoàn gồm các công chức, phòng ban: Cục Hải quan TP HCM, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1, Sở Tài Nguyên môi trường, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an TP HCM), Tổng Công ty Tân Cảng và đại diện các hãng tàu có hàng hoá vi phạm… để phân công, phối hợp nhiệm vụ cụ thể trong việc giám sát.

Phế liệu tồn đọng, chủ yếu nhựa, không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu buộc tiêu huỷ

Các hãng tàu có hàng tiêu hủy đã ký hợp đồng trực tiếp với các công ty xử lý rác thải, môi trường và phải chịu toàn bộ chi phí. Tổ giám sát có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ từ cảng, nơi hàng hoá đi, lập biên bản bàn giao cho công ty xử lý môi trường.

Trước khi mở container đưa hàng ra tiêu hủy Tổ sẽ kiểm tra niêm phong (seal), tổ chức giám sát đưa hàng vào tận nơi tiêu hủy. Trường hợp trong ngày chưa tiêu huỷ hết thì niêm phong lại, qua ngày hôm sau tiêu hủy tiếp.

Đặc biệt Tổ giám sát yêu cầu các công ty này phải cung cấp mật khẩu của hệ thống camera giám sát để các công chức trong Tổ giám sát có thể kiểm tra bất cứ lúc nào trong suốt thời gian được giao nhiệm vụ giám sát.

Để việc tiêu huỷ đúng quy định, đúng thời gian các công ty xử lý môi trường sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển nguyên trạng hàng hóa tiêu hủy về địa điểm tiêu hủy theo hợp đồng tiêu hủy và biên bản bàn giao. Việc vận chuyển thực hiện trước ít nhất 1 ngày theo lịch trình tiêu hủy để tạo thuận lợi cho việc giám sát.

Công ty xử lý môi trường có trách nhiệm bố trí đủ người, phương tiện cần thiết để bảo đảm việc vận chuyển hàng hóa đúng tuyến đường, thời gian, bảo đảm an ninh, an toàn, nguyên trạng niêm phong hãng tàu, niêm phong hải quan.

Nhóm giám sát tiêu hủy được phân công giám sát từng lô hàng chịu trách nhiệm tiếp nhận thông tin, báo cáo đề xuất xử lý đối với các trường hợp hàng hóa không còn seal, sai seal, phương tiện đi không đúng tuyến đường, thời gian, có hiện tượng đánh tráo, rút hàng trong quá trình vận chuyển…

Container phế liệu còn nguyên seal trước khi đem tiêu hủy

Đặc biệt, hàng hóa đưa về địa điểm tiêu hủy phải tập trung tại địa điểm để kiểm tra tình trạng seal trước khi đưa tiêu hủy. Việc tiêu huỷ diễn ra trong giờ hành chính và thực hiện theo từng container, hàng hóa được lấy ra từ container phải được tiêu hủy hết trong ngày, nếu chưa hết thì tổ giám sát sẽ lập biên bản niêm phong và tiếp tục tiêu hủy trong ngày tiếp theo.

Hàng phế liệu nhựa tồn đọng không đạt chất lượng, gây hại cho nhiễm môi trường

Được biết, qua gần 1 tuần làm việc, đoàn chỉ giám sát tiêu huỷ được 5 container phế liệu ở 2 nhà máy tại Bà Rịa- Vũng Tàu và (Bình Chánh- TP HCM).

Việc vận chuyển hàng phế liệu gặp nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Thanh Long cho biết quá trình giám sát tiêu hủy gặp khó khăn cho Tổ Giám sát vì công suất tiêu hủy thực tế tại các công ty xử lý rác rất thấp, mỗi ngày một nhà máy chỉ vài container. Vì vậy Tổ giám sát phải chia ra và giám sát toàn bộ thời gian, trong điều kiện môi trường làm việc bất tiện…Chưa kể một số công ty ở tỉnh xa, Tổ Giám sát phải chia thời gian và giám sát để bảo đảm việc tiêu hủy đúng quy định.

Phế liệu chuẩn bị đưa vào tiêu hủy

Trước đó, đã có hơn 418 container của 3 hãng tàu đã tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam. Mọi chi phí tái xuất hay tiêu huỷ đều do các hãng tàu chịu trách nhiệm chi trả. Còn 12 hãng tàu đang tiến hành làm việc với các công ty xử lý môi trường để tiêu hủy trong đợt tiếp theo.

Việc tiêu hủy kéo dài, gây khó khăn cho Tổ Giám sát

Trong những năm 2018-2019, nhiều container phế liệu tồn đọng ồ ạt về các cảng, sau đó các cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý, buộc tái xuất, tiêu hủy nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đến nay việc tiêu hủy mới được tiến hành.


Bài, ảnh: Sơn Nhung