Lãnh đạo TP Hà Nội vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Xây dựng để tìm hướng đi cho nhiều vấn đề thiết thực của TP, trong đó có việc cải tạo chung cư cũ.

Không được nâng chiều cao

Cả nước hiện có hơn 2.500 chung cư cũ với trên 3 triệu m2 sàn được xây dựng trước năm 1994. Trong đó, Hà Nội dẫn đầu với hơn 1.500 chung cư. Nhiều năm qua, lãnh đạo TP Hà Nội liên tiếp đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ và đề ra nhiều biện pháp quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhưng kết quả thực hiện vẫn còn hạn chế. Con số này là quá thấp so với kỳ vọng bởi còn nhiều vướng mắc khiến các dự án, phương án cải tạo mãi chỉ nằm trên giấy hoặc dừng lại ở mức độ khảo sát.

Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản – Bộ Xây dựng, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư, nhà tập thể cũ đang gặp nhiều khó khăn do phương án thiết kế từ doanh nghiệp (DN) đều muốn nâng chiều cao xây dựng. Tuy nhiên, vấn đề này bị hạn chế bởi Luật Quy hoạch, Luật Thủ đô… Hầu hết hộ gia đình trong quá trình sử dụng đều cơi nới, khiến cho việc xác định diện tích bồi thường gặp khó khăn. Nhiều khu nhà nằm ở vị trí đất “vàng” nên chủ sở hữu đòi mức bồi thường giải phóng mặt bằng rất cao so với thực tế…

TP Hà Nội và ngành xây dựng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn

Ngành xây dựng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, như số lượng nhà chung cư cũ trên địa bàn toàn quốc hiện quá lớn; tình trạng sở hữu, sử dụng đa dạng, thuộc nhiều cơ quan, đơn vị quản lý… dẫn đến việc khó tiếp cận, kiểm đếm, rà soát chất lượng trong thời gian ngắn; chậm xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện cải tạo, xây lại nhà chung cư.

Đa số nhà chung cư cũ tập trung tại nội thành, thuộc khu vực hạn chế phát triển về mật độ, tầng cao và đặc biệt là dân số. Trong khi đó, việc điều chỉnh quy hoạch lại thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, ngân sách của địa phương còn hạn chế. Nhiều địa phương cũng chưa chủ động bố trí quỹ đất và vốn hỗ trợ lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng để tái định cư cũng như đầu tư hạ tầng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Một số quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư còn mâu thuẫn, chồng chéo, khó áp dụng để thực hiện trên thực tế, như việc quy định phải có phương án bồi thường trước khi được lựa chọn chủ đầu tư; chưa có sự thống nhất bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân có nhà chung cư bị phá dỡ xây dựng lại với DN tham gia cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Ngoài ra, người dân đòi bồi thường cao, không chịu bàn giao mặt bằng, trong khi chủ đầu tư lại muốn lợi nhuận cao chi phí bỏ ra thấp…

Cần cơ chế đặc thù

Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, tổng hợp những kiến nghị từ các địa phương, đặc biệt là tại Hà Nội và TP HCM, từ nay đến cuối năm 2020, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng dự thảo sửa đổi một số quy định tại Nghị định 101/2015/NĐ-CP để phù hợp với điều kiện thực tế. Từ đó, giúp cho các địa phương đẩy nhanh việc cải tạo, xây lại chung cư, nhà tập thể cũ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết từ năm 2012, dù TP đã có nhiều phương án, đề án cải tạo chung cư cũ nhưng hiện vẫn có nhiều vướng mắc, chủ yếu do quy định làm sao bảo đảm quyền lợi hài hòa giữa nhà đầu tư – người dân – công tác quản lý nhà nước. Ông Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội trình Chính phủ và Thủ tướng giải quyết những vấn đề trong thẩm quyền.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh thủ đô Hà Nội là địa bàn đặc thù, vì vậy cần phải có những cơ chế đặc thù trong quá trình triển khai thực hiện. Thời gian qua, đã có một số nhà đầu tư sẵn sàng tham gia các dự án cải tạo nhà chung cư cũ. Tuy nhiên, có những quy định của pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn, gây cản trở quá trình thực hiện. Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị nếu Hà Nội vướng mắc về thông tư, nghị định thì cần sớm đề xuất sửa đổi; vướng mắc về luật thì xin cơ chế đặc thù để thí điểm.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho biết Nghị định 101/2015/NĐ-CP (hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014) quy định việc tháo dỡ chung cư, nhà tập thể cũ phải được sự đồng thuận của 100% chủ sở hữu. Đây là một trong những nguyên nhân chính cản trở công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trong thời gian qua… Do đó, cần phải sửa đổi một số điều khoản trong Luật Nhà ở 2014 để giúp cho việc quyết định tháo dỡ được thực hiện thuận lợi hơn.


Bài và ảnh: BẠCH HUY THANH

Chia sẻ