Ngày 19-9, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – Ngân hàng Nhà nước đã công bố một số thông tin về tình hình thực hiên giải pháp về tín dụng tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19.

Theo đó, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, 16 ngân hàng chiếm 75% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế – gồm Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, Bưu Điện Liên Việt, TPBank, VIB, ACB, Seabank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank, Sacombank – đã cam kết giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong những tháng cuối năm.

Thông qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, 16 ngân hàng này đã thống nhất nguyên tắc tiếp tục giảm lãi vay tối đa 1 điểm % trên dư nợ hiện hữu bằng VNĐ trong 5 tháng cuối năm 2021 đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các ngân hàng từ nay đến cuối năm thực hiện đúng cam kết giảm lãi suất cho vay

Mức đồng thuận giảm lãi vay áp dụng từ ngày 15-7 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính là 20.613 tỉ đồng.

Riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỉ đồng để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 8-2021, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỉ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23-1-2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỉ đồng cho 628.662 khách hàng. Lũy kế từ 23-1-2020 đến 31-8-2021, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỉ đồng.

Trong đó, riêng tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng thương mại lũy kế từ 15-7 đến 31-8-2021 là 8.865 tỉ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.

Ngân hàng Nhà nước cho hay từ nay đến cuối năm sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng quyết liệt thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán; tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh Covid-19, đặc biệt là vấn đề sản xuất, lưu thông hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm nói riêng với thời hạn và lãi suất hợp lý.

Tính đến cuối tháng 8-2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 7,42% so với cuối năm ngoái, tín dụng đối với các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Tín dụng lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, trong đó nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trưởng cao hơn nhiều tăng trưởng tín dụng chung.


Thái Phương. Ảnh: Lam Giang

Chia sẻ