Ngày 22-9, tại An Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ công bố chính thức xuất khẩu lô hàng gạo thơm sang Liên minh châu Âu (EU) theo Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA). Lô hàng gồm 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 của Tập đoàn Lộc Trời, được đóng gói theo quy cách 18 kg, sẽ lên đường sang EU vào cuối tháng 9.

Lợi thế hơn hẳn đối thủ

Theo Bộ NN-PTNT, hằng năm Việt Nam xuất khẩu từ 6,4-7 triệu tấn gạo với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 9 giống gạo thơm thuộc danh mục gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan (OM5451, OM4900, Jasmine 85, ST5, ST20, RVT, VD20, Nàng Hoa 9, Tài Nguyên Chợ Đào) có tổng lượng xuất khẩu hằng năm hơn 3 triệu tấn.

Năm 2019, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang EU chỉ bằng 1/10 so với Myanmar, 1/6 so với Thái Lan và 1/4 so với Campuchia. Từ khi EVFTA có hiệu lực, gạo Việt có lợi thế hơn hẳn khi Campuchia và Myanmar đang chịu thuế tuyệt đối với mặt hàng gạo lần lượt là 150 euro/tấn (năm 2020) và 125 euro/tấn (năm 2021).

Lễ khởi động sà lan xuất khẩu gạo thơm sang EU .Ảnh: DIỆU THÚY

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) thông tin, từ ngày 4 đến 17-9 đã có 6 doanh nghiệp (DN) nộp đơn xin chứng nhận gạo thơm xuất khẩu EU hưởng hạn ngạch miễn thuế với khối lượng 4.300 tấn gạo thơm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá EVFTA là chìa khóa để các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp cận được một thị trường EU đầy tiềm năng, gồm 27 quốc gia, dân số hơn 511 triệu dân và mức thu nhập cao, bình quân 35.000 USD/người/năm. Với mặt hàng gạo, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (trong đó có 30.000 tấn gạo thơm) miễn thuế và thuế sẽ về 0% hoàn toàn sau 3-5 năm. “Để tận dụng lợi thế này, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã (HTX), DN với bà con nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và chú ý đến bao bì, nhãn mác. Có như vậy mới khai thác tốt thị trường EU” – ông Lê Quốc Doanh lưu ý.

Tại sự kiện, đại diện Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan (văn phòng đại diện tại TP HCM), thông tin mặc dù gạo Việt Nam đã thâm nhập thị trường EU nhưng vẫn gặp phải sự cạnh tranh khá lớn với Thái Lan, Campuchia và Myanmar. Xuất khẩu gạo sang EU năm 2019 của Việt Nam mới đạt 50.000 tấn trong khi mức tiêu thụ gạo trung bình của EU là 2,5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2016-2020. Do đó, với những cam kết từ EVFTA, lĩnh vực nông nghiệp hứa hẹn sẽ phát huy thế mạnh, trở thành mặt hàng xuất khẩu chính và là cơ hội lớn cho DN xuất khẩu gạo Việt Nam tăng cường bán gạo sang EU và Ba Lan.

Thay đổi cách nhìn về gạo Việt

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, cho biết trước khi EVFTA có hiệu lực, Lộc Trời đã chuẩn bị rất kỹ về giống, vùng trồng; chủ động làm việc với các đối tác EU để nắm bắt về số lượng, chủng loại, cũng như những yêu cầu khác để kịp thời đáp ứng. Trước đó, từ năm 2018, DN đã xuất khẩu hơn 10.000 tấn bao gồm Jasmine 85, Japonica DS1, OM18, OM5451… vào EU với nhiều quy cách đa dạng nhờ chú trọng đến việc đầu tư tập trung cho vùng trồng và kiểm soát chất lượng. “Chúng tôi ý thức rõ việc hàng hóa muốn xuất khẩu vào EU cần đáp ứng tiêu chuẩn rất cao về chất lượng. Và với chiến lược tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và năng lực sản xuất luôn đáp ứng tiêu chuẩn cao cấp, Tập đoàn Lộc Trời sẽ nỗ lực tận dụng hiệu quả những ưu đãi mà EVFTA mang lại, đưa hạt gạo Việt nói riêng và nông sản Việt nói chung đến các thị trường trên khắp thế giới” – ông Thòn nhấn mạnh.

Trao đổi riêng với Báo Người Lao Động ngày 22-9, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho hay Trung An cũng đã ký được hợp đồng xuất khẩu tới 3.000 tấn gạo thơm sang EU, được hưởng thuế suất 0% theo EVFTA. Cuối tháng 8, công ty đã giao 150 tấn gạo và sẽ giao hết hợp đồng trong năm nay. “Khi DN xuất khẩu được nhiều gạo vào EU với giá cao sẽ khiến nhà nhập khẩu ở những thị trường khác có cái nhìn tích cực đối với gạo Việt Nam và chấp nhận mặt bằng giá cao hơn. Ngoài ra, nguồn cung gạo Việt Nam từ nay đến cuối năm hạn chế do chỉ còn vụ thu đông với sản lượng không lớn cũng giúp gạo có giá cao hơn các năm” – ông Bình nhìn nhận.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long), cũng đánh giá tiềm năng lớn từ thị trường EU dù hiện tại DN vẫn chưa chính thức xuất khẩu sang thị trường này. “Gạo ST20 xuất khẩu EU có thể được giá 1.000 USD/tấn trong khi các thị trường khác chỉ chấp nhận giá từ 850-900 USD/tấn. Do đó, dù sản lượng xuất khẩu sang EU không nhiều nhưng hiệu quả. Dù vậy, DN phải đầu tư chiều sâu và dài hạn từ giống, vùng trồng đến chế biến để tránh rủi ro. EU yêu cầu rất cao về chất lượng và an toàn thực phẩm nên nếu lô hàng không đạt, bị trả lại sẽ thiệt hại rất lớn. Là DN đi sau, chúng tôi chọn phân khúc gạo cao cấp hơn (gạo hữu cơ, mức giá hơn 1.500 USD/tấn) để ít chịu sự cạnh tranh và nhu cầu thực phẩm hữu cơ rất lớn tại EU” – ông Thành tiết lộ.

Xuất khẩu nếp gặp khó

Trong khi xuất khẩu gạo khả quan thì nếp lại gặp khó do thị trường lớn nhất là Trung Quốc không còn xuất khẩu được nữa vì hết hạn ngạch năm 2020. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, 7 tháng đầu năm nay, giá trị nếp xuất khẩu đóng góp 13,7% tổng giá trị xuất khẩu gạo. Trong đó, Trung Quốc chiếm tới 72% thị phần, các thị trường khác như Malaysia chỉ chiếm 7,1%, Philippines 7%…

Theo các DN, thời gian qua, mặt hàng nếp liên tục bị Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu, từ việc không áp hạn ngạch đến áp hạn ngạch như gạo; về thuế trước đây Trung Quốc chỉ áp thuế với nếp, không áp thuế tấm nếp nhưng nay áp thuế toàn bộ. Do đó, nông dân trồng nếp nên thận trọng vì tiêu thụ nội địa hạn chế, phần lớn phụ thuộc xuất khẩu nên đầu ra bấp bênh.


NGỌC ÁNH

Chia sẻ