Bộ Tài chính quyết tâm rút ngắn lộ trình nâng hạng TTCK Việt Nam

Trước những băn khoăn của nhà đầu tư về kế hoạch nâng hạng thị trường năm nay và dự kiến thời gian nâng hạng là khi nào, hôm 4/7, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời vấn đề này.

Thường xuyên trao đổi với MSCI và FTSE Russell

Bộ Tài chính cho biết, nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) là một trong những mục tiêu lớn và TTCK Việt Nam đang hướng tới và thực tế đã được đưa vào Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” và dự thảo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ được nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi trước 2025.

Mặc dù nhiều ý kiến chuyên gia đều bày tỏ sự tin tưởng vào việc TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng, nhưng Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý bất kỳ TTCK nào trên thế giới, bởi vì việc đánh giá, phân loại và xếp hạng thị trường của các tổ chức xếp hạng như MSCI, hay FTSE đều phải tuân theo các nguyên tắc, quy trình và tiêu chí đánh giá của các tổ chức này.

Tài chính - Ngân hàng - Bộ Tài chính quyết tâm rút ngắn lộ trình nâng hạng TTCK Việt Nam

Từ năm 2018 đến 2022, VN-Index vẫn mức 1200 điểm, nhiều nhà đầu tư thắc mắc kế hoạch nâng hạng thị trường năm nay có khả thi không và dự kiến thời gian nâng hạng. (Ảnh: FireAnt)

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã, đang nỗ lực và đặt quyết tâm cao để thúc đẩy, rút ngắn lộ trình được nâng hạng của TTCK Việt Nam. Về khuôn khổ pháp lý, Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường, bao gồm: tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư; tiếp cận thông tin; đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; bù trừ và thanh toán trên TTCK; tăng cường đưa vào thị trường các công cụ tài chính mới để đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư.

Bên cạnh đó, về các hoạt động thực tiễn, Bộ Tài chính cho biết cơ quan quản lý thường xuyên trao đổi với MSCI và FTSE Russell nhằm cập nhật thông tin thực tế để các tổ chức nắm bắt chính xác, cũng như cùng rõ các các yêu cầu, tiêu chí từ các tổ chức, từ đó có các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện.

“Dựa trên các tiêu chí mà các tổ chức xếp hạng yêu cầu, Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều tiêu chí cần có quyết tâm chung, sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn giúp thị trường sớm được nâng hạng trong thời gian tới”, Bộ Tài chính nêu rõ.

Tháng 8/2022 sẽ giao dịch T+2

Mới đây nhất, Bộ Tài chính cho biết, ngày 24/6 vừa qua, UBCKNN cũng đã thêm buổi làm việc với Ngân hàng Thế giới và FTSE Russell để tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về nâng hạng TTCK.

Bộ Tài chính cho biết sẽ chủ động trao đổi với các cơ quan bộ ngành, hiệp hội, thành viên thị trường và các nhà đầu tư, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm tháo gỡ các vấn đề rất quan trọng liên quan nhằm được nâng hạng như tỉ lệ sở hữu nước ngoài hay một số quy định trên thị trường ngoại hối…

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các cơ quan để xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư 2020, đặc biệt là các nội dung về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường công khai, minh bạch về tỷ lệ sở hữu nước ngoài để nhà đầu tư tiếp cận thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời; nghiên cứu và đưa chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) vào thị trường giao dịch.

Tài chính - Ngân hàng - Bộ Tài chính quyết tâm rút ngắn lộ trình nâng hạng TTCK Việt Nam (Hình 2).

Bộ Tài chính cho biết việc nâng hạng thị trường chứng khoán không phụ thuộc ý chí chủ quan, mà dựa vào đánh giá, phân loại từ các tổ chức xếp hạng như MSCI hay FTSE.

Đặc biệt, tập trung hoàn thiện, vận hành hệ thông công nghệ thông tin mới cho TTCK; từ đó có nền tảng hạ tầng để phát triển, đa dạng hóa và gia tăng chất lượng các sản phẩm trên TTCK để thu hút nhà đầu tư nước ngoài và cơ sở hạ tầng liên quan; tăng cường quản trị công ty, công bố thông tin về môi trường – xã hội – quản trị (ESG) để gia tăng chất lượng cổ phiếu; nghiên cứu phát triển các sản phẩm liên quan đến nội dung xanh và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư trên TTCK.

“Mới đây nhất, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cũng đã lấy ý kiến về dự thảo quy chế thay thế Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán và quy chế thành viên lưu ký. Dự kiến trong tháng 8 tới, thời gian thanh toán, bù trừ chứng khoán sẽ được rút gắn, nhà đầu tư có thể được giao dịch ngay trong chiều ngày T+2”, Bộ Tài chính nêu rõ