Dự thảo Quy hoạch điện VIII nêu rõ khu vực miền Nam và miền Trung sẽ chủ yếu phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) như điện gió, mặt trời. Các nguồn tua-bin khí hỗn hợp (TBKHH) từ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) chủ yếu phát triển ở miền Bắc.

Cơ hội từ điện gió ngoài khơi

Dù vậy, điện mặt trời vẫn có thể đáp ứng tốt phần phụ tải đỉnh ban ngày, giảm nhu cầu truyền từ Nam ra Bắc nên cần xem xét cơ chế khuyến khích đầu tư điện mặt trời quy mô lớn và áp mái riêng cho khu vực Bắc Bộ. Nội dung này cho thấy vai trò lớn của NLTT trong tổng cơ cấu nguồn điện cả nước.

Tuy nhiên, câu chuyện điện mặt trời vỡ quy hoạch khiến lưới điện bị quá tải cục bộ còn chưa hết nóng thì lại có gần 12.000 MW điện gió được bổ sung vào quy hoạch, gây bất an cho những người làm công tác truyền tải. Sở dĩ có làn sóng đổ xô đầu tư dự án điện gió, mặt trời là bởi mức giá thật sự hấp dẫn nếu so sánh với các nguồn khác hoặc với giá điện bình quân hiện nay. Chẳng hạn, với điện mặt trời, dự án vận hành thương mại trước tháng 7-2019 được hưởng giá ưu đãi lên đến 2.100 đồng/KWh trong vòng 2 năm, trong khi giá mua điện từ thủy điện chỉ 1.000 đồng/KWh, nhiệt điện 1.500 đồng/KWh, còn giá bán lẻ điện bình quân chỉ 1.846 đồng/KWh. Điện gió cũng có mức giá ưu đãi tương tự cho cả dự án trên bờ và ngoài khơi.

Cùng với điện gió, điện khí, điện mặt trời là một trong những nguồn phát được ưu tiên trong dự thảo Quy hoạch điện VIII. Trong ảnh: Một dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận Ảnh: KỲ NAM

“Hậu quả của việc phát triển điện gió, điện mặt trời chưa thể lường hết được nếu tiếp tục đầu tư ồ ạt tại một khu vực gây tắc nghẽn đường truyền. Đây là bài học lớn của Quy hoạch điện VII điều chỉnh” – ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), nói và lưu ý Quy hoạch điện VIII cần cơ cấu theo hướng phụ tải ở đâu thì thu xếp nguồn ở đó, tránh kéo đường dây đi xa gây tốn kém hoặc tập trung nguồn ở nơi không cần thiết.

Theo ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), với đặc tính vật lý tự nhiên, các nhà máy điện mặt trời có biến động lượng công suất lớn trong khoảng thời gian rất ngắn. Nếu công suất dự phòng của hệ thống không cao thì khi phát triển các nguồn NLTT này, hệ thống điện sẽ gặp thách thức lớn. Do vậy, vào cao điểm, hệ thống vẫn phải trông cậy vào những nguồn khác để đáp ứng đủ điện và thông suốt.

Chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi bày tỏ tâm đắc với điện gió ngoài khơi, bởi đây là nguồn điện rất mạnh, có thể khắc phục được hạn chế của điện gió trên bờ là quy mô không lớn, công suất cũng như sản lượng điện phát trong năm bị hạn chế bởi sức gió. Tuy nhiên, rất đáng tiếc dù có nhà đầu tư lớn của nước ngoài muốn đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam nhưng chưa được Chính phủ duyệt. Nếu được duyệt và đi vào xây dựng, vận hành, một dự án điện gió ở thềm lục địa có thể phát điện tương đương vài nhà máy điện than. “Quy hoạch điện VIII nên dành sự quan tâm lớn đến điện gió ngoài khơi. Tất nhiên, làm điện gió ngoài khơi rất tốn kém, đối mặt với nhiều khó khăn nên cần sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài” – ông Ngãi nói thêm.

Điện khí là lối ra

Trong khi điện than vấp phải phản ứng từ dư luận xung quanh vấn đề môi trường, nguồn được trông chờ để bổ sung cho phát điện sạch với công suất lớn là điện khí. Nhiều địa phương đã không ngần ngại thể hiện quan điểm quay lưng với nhiệt điện than và chỉ đầu tư dự án khí hóa lỏng vì lý do môi trường.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII đưa ra trữ lượng khí của Việt Nam là 871 tỉ m3, đã khai thác đến nay khoảng 150 tỉ m3. Tổng cung khí trong nước cho sản xuất điện ở phương án cơ sở ở mức 7,7 tỉ m3 năm 2020, 14,6 tỉ m3 năm 2025 (chủ yếu mỏ khí Cá Voi Xanh và lô B), 9,2 tỉ m3 năm 2030 và 7,7 tỉ m3/năm giai đoạn 2035-2045.

Tuy vậy, nguồn này cũng phải đối mặt với khó khăn từ khai thác và nhập khẩu cũng như vấn đề giá cả.

Ông Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nhận xét điện khí có ưu điểm là nguồn năng lượng xanh, không gây lo ngại về vấn đề môi trường. Do đó, hiệp hội đã kiến nghị cơ cấu nguồn điện nên thay các loại phát điện truyền thống bằng điện khí hoặc các nguồn tái tạo khác.

“Nếu sớm đưa được dòng khí của Dự án khí Lô B vào để vận hành Nhà máy Điện khí Ô Môn chắc chắn nguồn điện sẽ được cải thiện. Chuỗi dự án khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh cũng tương tự như vậy. Nhìn chung, trữ lượng khí của Việt Nam khá phong phú, áp lực nhập khẩu không quá lớn nên nhu cầu trong vòng 5 năm tới cho phát điện khí có thể dễ dàng bảo đảm. Tuy nhiên, khai thác khí cần được triển khai đồng bộ với năng lực của hộ tiêu thụ vì công nghiệp khai thác khí là giá trị chuỗi, từ khai thác đến vận chuyển đến tiêu thụ nếu không đồng bộ sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của toàn chuỗi” – ông San góp ý.

Một thực tế khác là 5 dự án điện khí lớn với tổng quy mô trên 5 tỉ USD của chuỗi dự án Cá Voi Xanh đã không còn thuộc diện Chính phủ bảo lãnh nên khó khăn trong thu xếp vốn chắc chắn sẽ xảy ra. Thêm nữa, theo tính toán của giới chuyên môn, các nhà máy điện khí sẽ có giá bán điện từ 2.500 đồng/KWh trở lên, gây áp lực chung đến giá bán lẻ điện bình quân. Ghi nhận thực tế, mức chào giá điện khí của một số dự án đều rất cao. Chẳng hạn, dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II chào giá 2.884 đồng/KWh; dự án nhiệt điện Ô Môn III và IV đưa ra giá tối đa lên tới 2.840 đồng/KWh mới bảo đảm hiệu quả tài chính. Nguyên do, đây là lĩnh vực khó khai thác, thiết bị, máy móc đều phải nhập khẩu, nhiều phần công việc phải thuê chuyên gia ngoại với chi phí cao.

“Dù sao tài nguyên khí với những ưu điểm của nó chắc chắn sẽ hỗ trợ tốt cho ngành điện trong bảo đảm an ninh năng lượng. Cần sửa đổi luật và quy định dưới luật về dầu khí theo hướng kích thích nhà đầu tư nước ngoài đưa công nghệ vào khai thác các mỏ đang suy giảm, nâng cao hệ số thu hồi dầu…” – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam nói thêm.

Đường xa với điện hạt nhân

Dự thảo Quy hoạch điện VIII nêu ưu thế của điện hạt nhân – nguồn điện từng bị gạt sang một bên trong chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam – là hầu như không có ngừng phát do sự cố; là nguồn bán nội địa, không phụ thuộc vào thị trường nhiên liệu và hoàn cảnh của nước khác. Ngoài ra, dòng điện này sẽ góp phần đa dạng hóa các nguồn năng lượng mà không phát thải CO2 cùng các loại khí, bụi độc hại.

Đề xuất xem xét 8 vị trí tiềm năng của điện hạt nhân nằm ở Bình Định, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi và Hà Tĩnh, song dự thảo nêu rõ điện hạt nhân không xuất hiện trong giai đoạn Quy hoạch điện VIII (giai đoạn đến năm 2030) mà được cân nhắc xuất hiện vào năm 2045 trở đi.

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh (Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), nhìn nhận việc đưa ra một kịch bản có xét tới sự tham gia của điện hạt nhân hiện nay mới chỉ nhằm bảo đảm trong Quy hoạch điện VIII, tất cả các phương án khả thi cung ứng điện năng cho quốc gia trong dài hạn đều được tính tới. Còn việc có lựa chọn tái khởi động điện hạt nhân như một kịch bản nêu ra hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế – kỹ thuật khác.

“Phương án điện hạt nhân khả thi ở một số điều kiện nhất định và cần phải được xem xét đánh giá, nhất là với những tiến bộ gần đây về công nghệ điện hạt nhân. Ví dụ công nghệ lò mới được nghiên cứu bởi công ty TerraPower do Bill Gates thành lập hay các giải pháp lò phản ứng hạt nhân dạng mô-đun cỡ nhỏ với khả năng dễ dàng vận chuyển lắp đặt ở những khu vực mặt bằng hạn chế” – ông Sơn nêu quan điểm và nhấn mạnh thêm Nghị quyết 55 không nhắc đến điện hạt nhân nhưng cũng không hề “chối bỏ” nguồn này.

Kỳ tới: Nói không với nhiệt điện than!


Phương Nhung

Chia sẻ