BIDV  và những vết nhơ khó sạch!

“Vết nhơ” khó sạch

–Hội sở Ngân hàng BIDV tại Hà Nội

Đã có nhiều bài học về những trường hợp ngân hàng cho vay nợ lớn, để rồi mất thanh khoản và chịu sáp nhập. Tất nhiên, việc cho vay này cũng mang lại lợi thế đáng kể cho ngân hàng khi có thể tận dụng những khoản tiền gửi từ các tổ chức kinh tế để tận dụng nguồn vốn kinh doanh, đặc biệt là dòng tiền dồi dào từ các tập đoàn nhà nước. Nhưng rõ ràng, hiệu quả hoạt động của nhóm các công ty nhà nước vốn thấp hơn so với mức bình quân của nhóm công ty tư nhân, khó có thể đảm bảo rằng những khoản nợ này là nợ “đẹp”.

Bài học rõ nhất là khoản vay từ Vinashin mà BIDV cũng vấp phải. Theo thông tin từ BIDV bắt đầu thực hiện IPO vào năm 2011, khoản nợ này có giá trị 6.000 tỷ đồng. Dù vậy, không chỉ với các công ty nhà nước, các công ty tư nhân có quy mô lớn cũng là những khoản vay rủi ro khi đi ngược chiều tăng trưởng.

Mối quan hệ rõ nhất là tình huống mà BIDV phải thực hiện động tác “nuôi nợ” với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. BIDV cũng là nhân tố chính trong việc đầu tư ra thị trường CLMV, tức Lào, Campuchia và Myanmar, cũng là những nơi mà Hoàng Anh Gia Lai đầu tư mạnh. Trước đó, ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV, khi đó cũng đồng thời nắm giữ vị trí Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang các nước CLMV.

Thêm nữa, BIDV ngày nay cũng phải “cực nhọc” hơn để tập trung xử lý những hậu quả do các khoản vay trước đây để lại. Chẳng hạn, đầu năm nay, BIDV tổ chức bán đấu giá khoản nợ hơn 2.278 tỷ đồng của nữ đại gia Công ty Cổ phần Thuận Thảo. Việc đang phải giải quyết các khoản nợ xấu có thể kéo lùi quá trình tăng trưởng của BIDV trong nhiều năm tiếp theo. Ngân hàng này đồng thời chịu áp lực không nhỏ khi cần phải tăng vốn không chỉ để mở rộng năng lực tài chính, mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn theo thế hệ mới Basel II thời gian sắp tới.

Tháng 9/2016, ông Trần Bắc Hà rời ghế chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam sau 9 năm nắm quyền, để lại chiếc ghế “nóng” trống người đảm nhiệm suốt từ đó cho đến nay. Sau khi ông Hà nghỉ hưu, đại án sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng mới được đưa ra xét xử.

Ông Bắc Hà được nhận xét là một lãnh đạo quyền lực trong giới ngân hàng. Dưới nhiệm kỳ của ông Bắc Hà, BIDV có tài sản và vốn điều lệ tăng gần 4 lần, lợi nhuận tăng hơn 3 lần nhưng cũng có nhiều tai tiếng.. Trước hàng loạt khó khăn bủa vây, nhiệm vụ duy trì tăng trưởng của BIDV là không hề nhẹ nhàng…

Trước khi qua đời, ông Trần Bắc Hà đang là bị can và bị bắt tạm giam để điều tra về những sai phạm trong việc tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và đề xuất phê duyệt, ký hồ sơ đồng ý cấp tín dụng cho Công ty CP chăn nuôi Bình Hà (Hà Tĩnh) vay vốn với các điều kiện ưu đãi sai quy định, vi phạm quy định của ngân hàng, gây thiệt hại cho BIDV hơn 800 tỉ đồng. Ông Hà cũng có hành vi sai phạm trong việc phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng, trong khi công ty này không đủ điều kiện cấp tín dụng, vay vốn, với các điều kiện ưu đãi sai quy định, gây thiệt hại cho BIDV hàng trăm tỉ đồng.

Được biết, ông Phan Đức Tú (hiện là Chủ tịch HĐQT BIDV) mới đây cũng đã thừa nhận ‘góp sức’ vào sai phạm đại án Chăn nuôi Bình Hà, một công ty “sân sau” do ông Trần Bắc Hà sáng lập tại Hà Tĩnh.

Theo tường trình của ông Phan Đức Tú trên Nhà đầu tư, vị này thừa nhận với vai trò là Tổng giám đốc đã ký và phê duyệt “Thống nhất” trên Phiếu trình ngày 16/4/2015, của Ban KHDN, về việc hỗ trợ phát hành văn bản chấp thuận cung cấp vốn tín dụng cho Dự án chăn nuôi bò thịt và bò giống tại Hà Tĩnh, đã được Phó TGĐ Lê Ngọc Lâm phê duyệt; ký phê duyệt “Thống nhất, trình Chủ tịch HĐQT” trên Tờ trình Ban Lãnh đạo ngày 22/4/2016 của Ban QLRRTD, đã có phê duyệt của Phó TGĐ phụ trách Trần Lục Lang, về việc chấp thuận gia hạn thời hạn hoàn thiện hồ sơ pháp lý còn lại của dự án theo lộ trình.

Với vai trò là Thành viên HĐQT, thành viên Phân ban QLRRTD,ĐT, ông Tú đã ký “Tán thành” trên Phiếu lấy ý kiến ngày 19/6/2015 của Phân Ban Rủi ro tín dụng, đầu tư và Phiếu lấy ý kiến ngày 10/7/2015 của HĐQT về việc tài trợ vốn cho Công ty Bình Hà; ký tán thành trên Phiếu lấy ý kiến ngày 5/2/2016 của Phân ban QLRRTD,ĐT và Phiếu lấy ý kiến ngày 19/2/2016 của HĐQT về việc sửa đổi điều kiện cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà về điều kiện vốn tự có của Công ty Bình Hà đối với L/C nhập khẩu bò (vốn lưu động).

Có thể thấy rõ, Dưới thời ông Trần Bắc Hà, BIDV có những con nợ lớn như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, nhóm công ty liên quan Phạm Công Danh, Thuận Thảo Sài Gòn.

BIDV đã có sai phạm trong việc cho nhóm 12 công ty của Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), nguyên Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh vay 4.700 tỷ đồng.

Hậu đại án, vẫn “đau đầu” vì nợ xấu

Như vậy, sau cơn bão các đại án, giờ đây, BIDV đang chịu nhiều áp lực để duy trì tăng trưởng. Ngân hàng lớn này cũng thường gắn liền với khách hàng lớn, nên rủi ro cũng rất lớn.

Tính đến cuối năm 2019, BIDV có gần 11.210 tỷ đồng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), đây là nhóm nợ nguy hiểm nhất, tăng gần 4.040 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng nợ xấu của ngân hàng.

Số dư nợ xấu nội bảng của BIDV tăng thêm 650 tỷ đồng lên 19.451 tỷ đồng (tương đương tăng 3,4%). Với số liệu trên, BIDV hiện lại tiếp tục đứng đầu hệ thống ngân hàng về nợ xấu nội bảng trong đó có nợ nhóm 5.

Ngoài nợ nhóm 5, nợ nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn) tại BIDV ở mức 3.850 tỷ đồng và nợ nhóm 4 ( nợ nghi ngờ) ở mức 4.393 tỷ đồng cũng thuộc top cao nhất trong hệ thống ngân hàng.

Trong năm 2019, mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 9,4% lên mức kỉ lục 30.885 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng đã phải mạnh tay trích tới hơn 20.000 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, tăng 6,2% so với năm 2018.

Như vậy, chi phí dự phòng rủi ro đã ăn mòn mất gần 65% lợi nhuận thuần của BIDV và là nguyên nhân chính kéo giảm tốc độ tăng của lợi nhuận trước thuế của nhà băng này.

Sang năm 2020 chưa đầy 2 tháng, các chi nhánh của BIDV tiếp tục phát hành hơn 40 thông báo về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, có một số tài sản được rao bán nhiều lần, giá cũng bị giảm mạnh nhưng ngân hàng vẫn chưa xử lý được, khó có người mua.

Đơn cử như khoản nợ của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG). Đơn vị kiểm toán từng nhấn mạnh hầu hết các khoản nợ vay của tập đoàn này đã quá hạn thanh toán, đặc biệt là nợ vay ngân hàng.

Tập đoàn có thể sẽ không có khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả trong điều kiện kinh doanh bình thường. Và BIDV là chủ nợ lớn nhất của tập đoàn Đức Long Gia Lai với khoản vay 1.781 tỷ đồng, gồm 1.540 tỷ đồng dài hạn và 241 tỷ đồng ngắn hạn. BIDV ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng từ điều này.

Mới đây, Đức Long Gia Lai lại bị BIDV đấu giá lô đất hàng trăm m2 chỉ 57 tỷ, thấp hơn 10 tỷ đồng so với nguyên giá của khu đất.

Thời gian tới, ngoài việc trích lập dự phòng để cải thiện quản lý rủi ro thì có lẽ BIDV còn phải nỗ lực hoạt động để nuôi các khoản nợ có khả năng mất vốn.

(Còn nữa).

Minh Quân