BIDV ngập ngụa xử lý nợ khi “bao bọc” Hoàng Anh Gia Lai

Quy mô vay nợ của HAGL Agrico tăng chóng mặt

HAGL Agrico được thành lập năm 2010 khi Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (công ty mẹ) thực hiện chương trình tái cấu trúc, với các sản phẩm chủ lực là cao su và cây ăn trái. Hiện Công ty đã cắt giảm được chi phí tài chính và đây là nguyên nhân giúp lợi nhuận quý I/2020 được cải thiện.

Xu hướng cải thiện cơ cấu vốn theo hướng giảm vay nợ trong năm 2019 không còn được duy trì trong năm 2020. Quy mô vay nợ của HAGL Agrico đã nhúc nhích tăng trở lại từ mức 13.500 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2019 lên mức hơn 14.600 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2020. Trong đó, vay dài hạn tăng mạnh trở lại khá rõ rệt, từ 4.600 tỷ đồng tại thời điểm ngày 31/12/2019 lên mức 7.600 tỷ đồng vào thời điểm ngày 31/3/2020.

— Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL

Việc thực hiện đợt phát hành trái phiếu có thể làm cơ cấu nợ của Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã HNG, sàn HoSE) tăng trở lại.Số nợ của HAGL khiến cổ đông BIDV từng hoang mang, lo lắng.

Động thái có thể thấy rõ nhất của doanh nghiệp này là kế hoạch chuẩn bị huy động 200 tỷ đồng trái phiếu sắp tới. Trái phiếu dự kiến phát hành riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có lãi suất cố định.

Quan sát báo cáo tài chính, có thể thấy, HAGL Agrico có số lượng giao dịch với bên liên quan khá nhiều, với danh mục trong quý I/2020 chiếm tới 6 trang báo cáo tài chính. Trong đó, các công ty có cùng thành viên HĐQT với HAGL Agrico là Công ty Chế biến và Phân phối nông nghiệp Thadi và Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco), thậm chí là Hoàng Anh Gia Lai với tư cách là công ty mẹ, đều có quan hệ vay mượn và mua bán hàng hóa vật tư với HAGL Agrico.

Ngoài ra, HAGL Agrico còn có các quan hệ giao dịch với nhiều công ty có “dây mơ rễ má” khác như Công ty Gỗ Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Tổ hợp cơ khí Thaco Chu Lai, Công ty Vận tải đường bộ Chu Lai – Trường Hải, Công ty Máy nông nghiệp Thaco, Công ty Phân phối ô tô tải – bus Trường Hải…

BIDV đối mặt “nguy hiểm”

Dù đã tái cơ cấu và giảm đáng kể giá trị vay nợ trong năm qua, nợ ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai vẫn cao hơn tài sản ngắn hạn. Công ty còn trễ hạn thanh toán một số khoản vay.

Trong danh sách vay ngân hàng ngắn hạn, khoản vay tại ngân hàng Lào – Việt của HAGL được đảm bảo bằng nhiều tài sản trong đó có toàn bộ công trình dự án trồng 835 ha chanh dây, vườn tiêu 27 ha tại Lào. Tuy nhiên, hiện HAGL không còn trồng chanh dây và tiêu tại các địa điểm như trong cam kết với ngân hàng.

Với các khoản vay bằng trái phiếu, diện tích cao su và cọ dầu thực tế của doanh nghiệp đang trồng chỉ đạt 92% và 74% so với con số trong hợp đồng trị giá 5.876 tỷ đồng với trái chủ BIDV. Ngoài ra, tỷ lệ sở hữu của HAGL tại HAGL Agrico hiện còn 47,4% nhưng trong hợp đồng đặt mua trái phiếu là tối thiểu 51%.

Hợp đồng vay 300 tỷ đồng trái phiếu từ trái chủ Golden Farm quy định hệ số thanh toán hiện hành, tức tỷ lệ tài sản ngắn hạn trên nợ ngắn hạn của HAGL phải lớn hơn 1. Nhưng hệ số thanh toán hiện hành của công ty bầu Đức cuối 2019 chỉ đạt 0,87 với 7.074 tỷ đồng tài sản ngắn hạn còn nợ ngắn hạn là 8.090 tỷ.

Tiếp theo, trong 3 khoản vay dài hạn với tổng dư nợ 1.561 tỷ đồng tại BIDV chi nhánh Gia Lai, tập đoàn chưa trả khoản vay đến hạn theo lịch thanh toán với tổng số tiền 832 tỷ.

Với khoản vay dài hạn 566 tỷ đồng từ BIDV chi nhánh Bình Định, diện tích trồng cao su và cọ dầu thực tế của công ty chỉ còn 46% và 76% so với cam kết trong hợp đồng tín dụng.

Diện tích trồng cọ dầu không đáp ứng con số cam kết tối thiểu cũng là vi phạm bị kiểm toán nhắc nhở HAGL trong hợp đồng vay dài hạn tại HDBank, ngân hàng Lào – Việt, Sacombank.

Với các khoản vay dài hạn tại ngân hàng Lào – Việt, HAGL cũng chưa đảm bảo đủ số lượng bò nhập và giá trị đàn bò như trong hợp đồng tín dụng. Ngoài ra, tập đoàn của bầu Đức chưa thanh toán các khoản vay đến hạn phải trả theo lịch với tổng số tiền 45 tỷ đồng.

Cuối cùng, HAGL còn bị kiểm toán lưu ý chưa mua bảo hiểm cho tài sản đảm bảo theo cam kết hợp đồng vay vốn tại Sacombank.

Trên thực tế BIDV không chỉ rót vốn trực tiếp cho công ty mẹ HAGL, mà còn dành cho các công ty con, thậm chí công ty “cháu” của Tập đoàn này. BIDV hiện cho vay nhiều tổ chức cá nhân trong nước trong đó có Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai. Hiện BIDV đang “bao bọc” HAG với khoản cho vay rất lớn. Khoản vay này tuy không được thể hiện trong báo cáo tài chính của BIDV.

Mới đây, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam tiếp tục nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của CTCP HAGL do vốn lưu động âm và nợ quá hạn chưa trả của HAGL. Tới ngày 9/4/2020 HAGL vẫn còn một số khoản nợ bị trễ hẹn thanh toán với Ngân hàng BIDV gồm gần 250 tỷ đồng đáo hạn ngày 20/10/2019, 577 tỷ đồng đáo hạn ngày 28/12/2019. Kiểm toán nhấn mạnh tại ngày 31/12/2019 nợ ngắn hạn của HAGL vượt tài sản ngắn hạn 1.016 tỷ đồng cùng với việc trễ hẹn trả nợ cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn này.

Câu chuyện nợ nần của HAGL, đến nay không còn của riêng tập đoàn này nữa. Với quy mô nợ khổng lồ, HAGL đang đặt BIDV và một số ngân hàng vào hoàn cảnh tương đối ngặt nghèo. Việc các nhà băng vẫn tiếp tục rót thêm tiền vào cho HAGL chứng tỏ niềm tin vào hoạt động của HAGL sẽ được cải thiện, như phát biểu của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức. Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ khả năng các ngân hàng này không còn cách nào khác, rót tiền vào với hy vọng HAGL có thể vực dậy kết quả kinh doanh, qua đó tăng cơ hội thu hồi nợ vay.

Hiện tại một loạt tài sản đã được HAGL dùng làm tài sản bảo đảm cho các món nợ vay cũng như trái phiếu nghìn tỷ, bao gồm đàn bò, tài sản cổ phiếu, học viện bóng đá, bệnh viện…

Diễn biến liên quan, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai được nhắc đến trong kết luận điều tra vụ án thất thoát hàng ngàn tỉ đồng tại BIDV khi có liên quan đến dự án chăn nuôi với công ty Bình Hà ở Hà Tĩnh.

Theo bản kết luận điều tra mới đây, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL được xác định là người có liên quan trong vụ án Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại BIDV, Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại du lịch Trung Dũng.

Tuy nhiên, trả lời cơ quan điều tra, ông Đoàn Nguyên Đức cho rằng HAGL chỉ hỗ trợ chứ không tham gia vào dự án chăn nuôi Bình Hà ở Hà Tĩnh (?!)

Còn nữa…

Minh Quân