Có thể thấy, trong nhiều năm qua, BIDV luôn nằm trong top những ngân hàng có khối nợ xấu khủng, đặc biệt là khoản nợ có khả năng mất vốn.
Theo báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trong năm 2019, chi phí dự phòng tăng nhẹ 5,9%, tuy nhiên lại chiếm tới 64,7% lợi nhuận trước dự phòng.
Tỉ lệ nợ xấu ở mức 1,74% tính đến cuối 2019, giảm từ mức 1,9% tính từ cuối năm 2018 và 2,09% trong quí III/2019.
Tỉ lệ xử lí nợ trong khoản vay gộp cả năm đạt 1,43% so với 1,66% trong năm 2018. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) tăng lên 74,2% từ mức 66% trong năm 2018.
Cụ thể, tính đến hết năm 2019, nợ có khả năng mất vốn của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lên tới 11.356 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 7.170 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Đáng chú ý, trong khi nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 giảm thì nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của BIDV rất mạnh. Nợ có khả năng mất vốn của BIDV tăng từ mức 7.200 tỷ đồng hồi đầu năm lên tới 11.208 tỷ đồng đến cuối năm. Tháng 11/2019, BIDV được Ngân hàng Nhà nước cho phép áp dụng tiêu chuẩn Basel II trước thời hạn.
![]() |
–5 nhóm nợ của BIDV theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2019. |
Bên cạnh đó, VCSC cho biết tỉ lệ thu nhập lãi thuần của BIDV (NIM) giảm 23 điểm cơ bản còn 2,64% trong năm 2019. Mức giảm trong NIM 2019 đến từ mức mức tăng 37 điểm cơ bản trong chi phí huy động, cùng với tăng trưởng khiêm tốn 3 điểm cơ bản lợi suất tài sản sinh lãi (IEA).
VCSC chỉ ra áp lực từ chi phí vốn trong năm 2019 đến từ việc ngân hàng đã gia tăng số dư giấy tờ có giá 57% lên 2,7 tỉ USD nhằm hỗ trợ cho vốn huy động trong dài hạn cũng như duy trì tỉ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu.
Ngoài ra, mức giảm 44 điểm cơ bản trong tỉ lệ CASA (cộng tiền gửi có kì hạn bằng USD) càng làm cho câu chuyện chi phí huy động trở nên khó khăn.
Để xử lý nợ, BIDV liên tiếp thông báo bán đấu giá các khoản nợ, ví dụ như khoản nợ gần 56 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An (PVIT) với giá khởi điểm bằng với giá trị khoản nợ.
Đến ngày 20/2, BIDV lại tiếp tục thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần Ôtô Xuân Kiên Vinaxuki (Công ty Vinaxuki) và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên (Công ty Vinaxuki Thái Nguyên).
Các tài sản lần lượt là: 138.814,7m2 đất tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội; Máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Mê Linh; Quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại Thôn 15, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông; Tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên tại Khu B-KCN Nam Phổ Yên, Thái Nguyên.
Giá khởi điểm của khoản nợ này bằng gốc cộng lãi vay tính đến thời điểm BIDV thông báo cho công ty dịch vụ đấu giá triển khai phiên đấu giá đầu tiên. Tổng dư nợ gốc và lãi tính đến hết ngày 15/9/2019 là 1.265 tỷ đồng.
Cùng ngày, BIDV thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Việt Can và Doanh nghiệp tư nhân Như Ý với giá khởi điểm hơn 934 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khoản nợ của Như Ý gần 652 tỷ đồng và Công ty TNHH Việt Can gần 283 tỷ đồng.
Hiện nay, Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khá phức tạp và khó lường đã, đang ảnh hưởng rất lớn đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề trong nền kinh tế cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), trong đó có cả ngành ngân hàng.
Và như vậy, với việc tín dụng khó tăng trưởng trong khi nợ xấu tuyệt đối có nguy cơ gia tăng có thể đẩy tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng tăng mạnh trở lại, và BIDV cũng không ngoại lệ.
Còn nữa…
Minh Quân