Tham gia cuộc họp có ông Lê Thanh Tùng, Phó trưởng Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT); ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA); ông Trần Ngọc Trung, Phó Chủ tịch VFA, Trưởng ban giám khảo cuộc thi; ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA,…

Đáng chú ý là ông Hồ Quang Cua, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và các đơn vị tham gia cuộc thi không có mặt tại cuộc họp.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Nam khẳng định đến ngày 11-11, ban tổ chức chưa nhận được khiếu nại chính thức bằng văn bản nào từ phía ông Hồ Quang Cua.

“Sáng ngày hôm sau cuộc thi diễn ra (thứ 7 ngày 5-11), anh Cua có gọi điện cho tôi bày tỏ nghi ngờ về giống đạt giải nhất nhưng vấn đề này không thuộc thẩm quyền của ban tổ chức cuộc thi. Đến chiều cùng ngày thì có thông tin trên báo chí. 

Chúng tôi có liên lạc lại với anh Cua nhưng không nhận được phản hồi. Đến giờ phút này, chúng tôi xin khẳng định cuộc thi diễn ra trung thực, khách quan, minh bạch. Do đó, kết quả cuộc thi vẫn giữ nguyên, không có chuyện sẽ tổ chức lại” – Chủ tịch VFA khẳng định.

Chủ tịch VFA (giữa) trả lời câu hỏi của phóng viên

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về tính pháp lý của gạo đạt giải nhất TBR39, có đáp ứng điều kiện dự thi “Gạo ngon Việt Nam” hay không?

Ông Nguyễn Ngọc Nam cam đoan giống gạo TBR39 đáp ứng yêu cầu dự thi đối với mẫu gạo đang trong giai đoạn khảo nghiệm (chưa lưu hành). Trong thành phần ban giảm khảo có Trung tâm Khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Nam Bộ, phụ trách kiểm tra tính pháp lý của mẫu dự thi.

Về việc ông Hồ Quang Cua tuyên bố tự mang gạo ST24 và gạo ST25 dự thi “Gạo ngon nhất thế giới” vào giữa tháng 11 tại Thái Lan, vậy VFA có mang tốp 3 loại gạo ngon Việt Nam 2022 dự thi cuộc thi này nữa hay không?

Chủ tịch VFA cho biết hiện tại đã có Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời liên hệ VFA đề nghị giới thiệu gạo Lộc Trời 28 dự cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới”, còn gạo giải nhất TBR39 chưa chốt phương án.

“Ban tổ chức cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” là một tổ chức phi chính phủ, việc họ chấp nhận mẫu dự thi từ tổ chức, cá nhân từ các nước thuộc về quy chế cuộc thi, ngoài thẩm quyền của VFA” – ông Nam nói thêm.

Quang cảnh cuộc họp thông tin về cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam”

Trước đó, cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam” lần 3 tổ chức ngày 4-11 tại TP HCM, ở hạng mục gạo thơm có 8 mẫu dự thi gồm: ST24, ST25, TBR39, Lộc Trời 28, VD20, Đài Thơm 8, OM8, OM48 của 6 đơn vị tham gia là: Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed (Thái Bình), Công ty TNHH thương mại HK (Tiền Giang), Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam (Đồng Tháp), Công ty CP tập đoàn Lộc Trời (An Giang), Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (Sóc Trăng) và Viện Lúa ĐBSCL.

Kết quả cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam” năm nay, ở hạng mục gạo thơm, giải nhất thuộc về gạo TBR39 của Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed, giải nhì là gạo ST24 của DN tư nhân Hồ Quang Trí, giải ba là gạo Lộc Trời 28 của Công ty CP tập đoàn Lộc Trời.

Ban giám khảo cuộc thi có 8 người đến từ: VFA, Hội đầu bếp Việt Nam, Trung tâm Khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Nam Bộ và Công ty CP Giám định – Khử trùng FCC. Trong đó, số lượng đầu bếp là 4 người, điều này cho thấy cuộc thi gạo ngon đề cao vai trò của các chuyên gia ẩm thực.


Tin- ảnh: Ngọc Ánh