Ngày 14-12, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 do Bộ Công Thương tổ chức với chủ đề phát triển nhân lực logistics, các đại biểu nhấn mạnh trong giai đoạn tới, chất lượng nguồn nhân lực sẽ là một trong những yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) logistics, phát triển ngành dịch vụ logistics một cách bền vững.

Vẫn thiếu và yếu

Tham dự diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh cho biết những biện pháp phòng chống dịch ở các nước trên thế giới đã ảnh hưởng đến nhiều mặt về kinh tế – xã hội, trong đó có ngành logistics.

Theo ông Trần Tuấn Anh, trong dịch bệnh, ngành logistics trong nước đã bộc lộ những điểm yếu như chi phí cao, sự liên kết giữa các DN logistics trong nước còn yếu, chưa hình thành mạng lưới để thúc đẩy ngành phát triển. “Chuyển đổi số trong ngành logistics còn chậm. Đặc biệt, nguồn nhân lực ngành logistics còn thiếu và yếu, chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của thị trường” – Trưởng Ban Kinh tế trung ương nói.

Các doanh nghiệp nước ngoài thời gian qua đầu tư rất mạnh về kho bãi, dịch vụ vận chuyển để đáp ứng nhu cầu kinh doanh thay vì dựa vào các doanh nghiệp logistics trong nước. Ảnh: HOÀI DƯƠNG

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận trong 2 năm qua, dưới tác động nặng nề của dịch Covid-19, ngành logistics đã nỗ lực trong việc bảo đảm luân chuyển hàng hóa, chuỗi cung ứng, tăng trưởng bình quân của ngành hằng năm từ 10%-15%. Tuy nhiên, ngành dịch vụ logistics trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa kinh tế của Việt Nam; năng lực cạnh tranh của ngành còn thấp, chi phí logistics còn cao…

Một trong những nguyên nhân chủ quan chủ yếu của các hạn chế nêu trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, là sự thiếu hụt nguồn nhân lực, chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới. “Sự khó khăn về nguồn nhân lực của ngành logistics sẽ càng tăng khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là trong khu vực Cộng đồng Kinh tế ASEAN và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.

Báo cáo logistics Việt Nam năm 2021 cũng nêu rõ các DN logistics Việt Nam tiếp tục phải đối mặt việc cạnh tranh gay gắt với các DN logistics nước ngoài. DN logistics Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn nhưng đa số là DN nhỏ và siêu nhỏ, cung cấp những dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao, vì vậy doanh thu của các DN logistics nước ngoài luôn chiếm thị phần cao hơn.

Sớm xây dựng chiến lược, đề án phát triển

Tại diễn đàn, các đại biểu đến từ cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội và các DN đều thống nhất rằng ngành logistics Việt Nam cần nâng cao năng lực chuyên môn, chất lượng dịch vụ, đầu tư hơn nữa cho cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học – công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng bên cạnh việc kiên trì giải pháp cắt giảm chi phí logistics, tái cấu trúc dịch vụ logistics, cần phát huy tối đa nguồn lực con người. Ông đề nghị Bộ Công Thương sớm xây dựng chiến lược, đề án phát triển nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics.

Dưới góc nhìn DN, ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc SNP Logistics thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, kiến nghị Chính phủ, các bộ – ngành quan tâm đúng mức cho nhân lực chất lượng cao ngành logistics. Theo ông, cần hình thành mạng lưới DN logistics mạnh, có cơ chế đặc biệt cho DN để nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, cần gắn với nhu cầu thực tế của DN và đáp ứng các chuẩn mực của khu vực, thế giới.

Bản thân DN logistics trong nước cũng đã chủ động triển khai những giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông Đàm Đình Vĩnh, Chủ tịch OPL Logistics, cho biết DN đang xây dựng các chiến lược cụ thể về kinh doanh, nhân sự, phát triển thị trường, đầu tư, tài chính, công nghệ thông tin, cùng với đó là mở rộng chi nhánh, mạng lưới. Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, DN đang tập trung nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ nhân sự, nhất là lãnh đạo, các cấp quản lý phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là ưu tiên số 1 của DN này.

PGS-TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam, kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn lực tài chính nhất định cho đào tạo nhân lực nói riêng và phát triển ngành logistics nói chung.

Kết luận diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định thời gian tới, bộ sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực logistics, đẩy mạnh liên kết hợp tác đào tạo với các nước, tận dụng sự hỗ trợ của các nước phát triển để đào tạo cán bộ quản lý trong lĩnh vực logistics.

Bên cạnh khó khăn nêu trên, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, cho biết các DN logistics còn phải đối mặt với sự gián đoạn trong chuỗi cung cấp dịch vụ và sự tăng phi mã của cước vận tải biển. Ông Trung lấy dẫn chứng giá cước vận tải biển đi sang bờ Đông, bờ Tây nước Mỹ trước đây chỉ dao động 3.500 – 4.000 USD/container. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 tác động, có thời điểm giá cước tăng lên 15.000 – 18.000 USD, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các DN Việt Nam. Thống kê của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cho thấy có khoảng 15% DN giảm 50% doanh thu so với năm 2020 và hơn 50% DN giảm số lượng dịch vụ logistics trong nước và quốc tế so với cùng kỳ năm 2020.


MINH CHIẾN

Chia sẻ