Được thành lập vào tháng 11-2021, chỉ sau 6 tháng, Công ty TNHH Fastship Việt Nam (Fastship, chuyên về chuyển phát nhanh) đã phát triển hơn 200 chi nhánh nhượng quyền trải dài từ Bắc vào Nam. Đây được xem là một trong những startup có tốc độ phát triển nhanh nhất tại thị trường Việt Nam.

Không ngại thất bại

Fastship được “khai sinh” từ khát khao làm chủ, gầy dựng thương hiệu riêng và “làm được cái gì đó cho xã hội” của startup trẻ Phạm Văn Hoàng (SN 1991 tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) – đồng sáng lập và hiện là giám đốc điều hành công ty.

Hoàng kể ngay từ thời sinh viên, anh đã tham gia rất nhiều cuộc thi khởi nghiệp để học hỏi và tìm kiếm cơ hội làm ăn. Ra trường, anh thử sức với dự án khởi nghiệp đầu tiên là nhập nấm linh chi từ Nhật về bán. Song, anh đã “đốt” hết 500 triệu đồng chỉ sau 6 tháng khởi sự kinh doanh vì nấm nhập về không cạnh tranh được với những sản phẩm giá rẻ trên thị trường.

Đóng lại mảng nấm, Hoàng đầu quân cho một công ty thức ăn chăn nuôi với mức lương mơ ước, 2.000 USD/tháng. Tuy nhiên, không lâu sau đó, nhận thấy chuyển phát nhanh có nhiều cơ hội bùng nổ, gắn liền với xu hướng tiêu dùng hiện đại, Hoàng nghỉ việc, xin vào làm shipper (nhân viên giao hàng) của một công ty chuyển phát nhanh của nước ngoài nhưng hoạt động theo hình thức nhượng quyền thương mại.

Fastship đang tập trung nguồn lực để phát triển mạnh dịch vụ trọn gói

“Sau 6 tháng học nghề, tôi lên chức trợ lý vận hành toàn quốc, từ đó nắm bắt toàn bộ quy trình lẫn đặc tính vận hành hoạt động chuyển phát nhanh. Tôi tự tin nhận nhượng quyền một bưu cục từ công ty đó để tập tành làm chủ” – Hoàng nhớ lại.

Với lần khởi nghiệp thứ 2 này, Hoàng mất trắng 2 tỉ đồng chỉ trong 1 năm. Kiểm đếm lại, anh nhận ra lý do thất bại: vận hành sai cách và mô hình nhượng quyền mình tham gia cũng không thật sự phù hợp.

Bởi lẽ, giữa anh và bên nhượng quyền không tìm được tiếng nói chung để vận hành hiệu quả, ít được công ty mẹ hỗ trợ mà phải tự tìm đơn hàng. Bên cạnh đó, việc nhận chuyển phát đơn hàng của các sàn thương mại điện tử vốn yêu cầu giao nhanh nên tạo áp lực lớn, việc chậm tiến độ gây thiệt hại cho bưu cục.

Vay mượn khắp nơi để trả nợ, Hoàng quyết tâm làm lại từ đầu với 30 triệu đồng còn lại. Fastship được ra đời cũng với mô hình nhượng quyền bưu cục. “Đây là một công ty chuyển phát hàng hóa nhưng đa phần bưu cục không do Fastship bỏ tiền xây dựng mà sẽ nhượng quyền cho người ngoài đầu tư. Bên nhận nhượng quyền sẽ tự đầu tư cơ sở vật chất, trả phí nhượng quyền nhằm tận dụng mạng lưới toàn quốc của công ty để nhận hàng đổ về và phát đi” – Hoàng giải thích.

Tập trung vào dịch vụ cốt lõi

Chỉ 1 tháng sau khi bưu cục đầu tiên đi vào hoạt động, tháng 11-2021, Hoàng bắt đầu bán nhượng quyền. Đến cuối tháng 3-2022, anh phát triển được 140 bưu cục nhượng quyền và nhanh chóng tiến lên con số trên 200 bưu cục vào quý III vừa qua.

“Chúng tôi nhượng quyền với giá 0 đồng, điều kiện là đại lý nhận nhượng quyền phải chuyển cho Fastship tiền ký quỹ dao động 50-100 triệu đồng. Đến đầu tháng 4-2022, Fastship có gần 200 bưu cục toàn quốc, đội xe tải gần 100 chiếc và đi vào vận hành” – Hoàng cho biết.

Theo Hoàng, Fastship ra đời đúng thời điểm các bưu cục nhượng quyền của những DN khác bị lỗ nên anh đã linh hoạt chia sẻ gánh nặng đầu tư cho các đại lý nhượng quyền. Nhờ đó, hoạt động kinh doanh của Fastship phát triển khá nhanh.

Tuy vậy, Hoàng thừa nhận việc “nở nồi” nhanh chóng trong khi các khâu vận hành, hệ thống lẫn kinh doanh không theo kịp dẫn đến mất kiểm soát, chất lượng dịch vụ giảm nên sản lượng giao từ vài chục ngàn đơn mỗi ngày hiện xuống chỉ còn vài ngàn đơn. Khoảng đầu tháng 7-2022, Fastship rơi vào khủng hoảng trầm trọng vì nợ gần 7 tỉ đồng. Những khoản phải thu còn 6 tỉ đồng nhưng phải trả được 5 tỉ mới thu được phần kia.

“Thời điểm đó, một công ty Ấn Độ ngỏ ý mua Fastship nhưng tôi không bán. Tôi chọn bán cổ phần cho một số đại lý tâm huyết để cùng nhau cứu công ty. Chúng tôi cùng sắp xếp lại DN, mở thêm dịch vụ vận chuyển xe tải để có thêm nguồn thu, nhờ đó giải quyết được 90% chi phí vận hành đội xe tải” – Hoàng cho biết.

Cũng trong quá trình xử lý khủng hoảng, Hoàng và các cộng sự tái cơ cấu tất cả các mảng, thu hẹp chuỗi nhượng quyền về 168 bưu cục và tập trung nguồn lực cho việc củng cố, đẩy mạnh mô hình dịch vụ trọn gói. Chuỗi bưu cục đang vận hành hiện tại giúp Fastship tạo lợi thế cạnh tranh từ việc xử lý nhanh các đơn hàng và giao ngay trong ngày tại các thành phố trực thuộc trung ương. Công ty cũng cung cấp dịch vụ giao hàng quốc tế thu hộ (COD) cho các đối tác như DHL, UPS…; mua hộ hàng quốc tế, chuyển phát nhanh quốc tế.

“Chúng tôi đang đặt mục tiêu phấn đấu vào tốp những đơn vị chuyển phát nhanh tốt nhất và mở rộng ra các thị trường Đông Nam Á như Malaysia, Campuchia, Thái Lan” – Hoàng nêu ý tưởng.


Bài và ảnh: Phương An