Bài 2: “Bóng dáng” Techcombank đằng sau Masterise Group?

Trong nhiều báo cáo thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được kiểm soát. Từ con số 7 cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau tính đến năm 2012 thì đến hết năm 2020 đã khắc phục hết; sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm mạnh.

Tuy nhiên, trao đổi với báo giới, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam, vẫn chưa hết lo khi tại nhiều ngân hàng TMCP tư nhân hiện nay đều có bóng dáng sở hữu chéo khi cổ đông lớn ở những ngân hàng này là chủ của các công ty, tập đoàn bất động sản.

TS Cao Sỹ Kiêm nói rằng, sở hữu chéo không xấu về bản chất, có nhiều hình thức khác nhau và là hiện tượng phổ biến của ngân hàng các nước trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, sở hữu chéo bị biến tướng, nó tạo ra sự lỏng lẻo, mất vốn, tham nhũng…

“Nó khiến cho nền kinh tế mất minh bạch, lợi ích nhóm và tạo nên rủi ro cho hệ thống ngân hàng”, TS Cao Sỹ Kiêm nói.

Quan hệ “mật thiết”

Theo tìm hiểu, Masterise Group tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư Thảo Điền (Thảo Điền Investment) thành lập từ năm 2007, với lĩnh vực hoạt động chính là đầu tư, phát triển các sản phẩm nhà ở, dòng sản phẩm chủ đạo là căn hộ cao cấp.

Phải đến khi Masteri Thảo Điền ra mắt và mở bán ra thị trường (2014 – 2016), doanh nghiệp này mới được giới đầu tư chú ý. Từ đó, công ty mở rộng thực hiện hàng loạt dự án khác tại TP.HCM như: Masteri An Phú (Quận 2), Masteri Millennium (132 Bến Vân Đồn, quận 4), M-One Sài Gòn (quận 7), hay M-One Gia Định (quận Gò Vấp).

Masterise Group tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư Thảo Điền (Thảo Điền Investment).

Ngày 22/11/2019, Thảo Điền Investment chính thức đổi tên thành Masterise Group, đồng thời cho ra mắt thương hiệu Masterise Homes, đơn vị này sẽ quản lý và phát triển các sản phẩm bất động sản của Masterise Group.

Không khó để có thể nhận thấy, trong quá trình phát triển, tập đoàn này được gắn với dòng tiền của Techcombank. Ngân hàng này đóng vai trò là nhà tài trợ tín dụng và bảo lãnh cho dự án Masteri Thảo Điền. Ở những dự án khác, Techcombank cũng đóng vai trò đơn vị cấp vốn và bảo lãnh dự án.

Cụ thể, năm 2015, Masterise Group đã liên tục ký hợp đồng thế chấp dự án Masteri Thảo Điền cho ngân hàng Techcombank.

Năm 2018, Tập đoàn này tiếp tục thế chấp dự án Dự án khu cao ốc căn hộ tại Phường Thảo Điền, Quận 2 cho Techcombank.

Đầu tháng 11/2020, Masterise Homes, Công ty con của Masterise Group thế chấp toàn bộ vốn góp tại ngân hàng Techcombank để vay vốn.

Ngoài ra, Techcombank chính là ngân hàng bảo lãnh cho các dự án mà Masterise Homes hiện đang phát triển như Masterise Waterfront tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park, Gia Lâm, Hà Nội; dự án Masterise Homes Ba Son quận 1, Masteri Central Point quận 9 TP HCM.

Mối quan hệ khăng khít đến nỗi nhiều người đồn đoán Masterise Group là “sân sau” của ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Techcombank. Mặc dù, ông Hồ Hùng Anh chưa lên tiếng nhưng những lời đồn đoán này cũng không phải không có cơ sở.

Những lãnh đạo chủ chốt của Masterise Group là ai?

Đơn cử, bà Đỗ Tú Anh (sinh năm 1974) – người cập nhật đến tháng 2/2020 vẫn là Chủ tịch HĐQT Masterise Group. Bà Tú Anh là nhân sự cấp cao liên quan tới Techcombank.

Theo giới thiệu trên website công ty Chứng khoán Kỹ Thương, bà Đỗ Tú Anh là cử nhân Khoa học Chuyên ngành Vật lý, Đại học Quốc gia Hà Nội, Cử nhân Quản trị Kinh doanh Đại học Columbia Southern. Hơn 22 năm kinh nghiệm làm việc trong đó có 16 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phát triển và kinh doanh bất động sản.

Bà Đỗ Tú Anh nhân sự cấp cao liên quan tới Techcombank đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Masterise Group.

Bà Tú Anh từng giữ các vị trị chủ chốt tại các công ty như Tổng giám đốc CTCP Đầu tư INB (Dự án Thảo Điền), Phó tổng giám đốc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Khai thác Tài sản AMC khu vực Miền Nam (quản trị danh mục tài sản, phát mãi tài sản với tổng giá trị tài sản lên tới 2000 tỷ đồng), Giám đốc Môi giới đầu tư Miền Bắc, Công ty Tư vấn Bất động Savills Việt Nam, và nhiều chức vụ chủ chốt khác.

Ngoài bà Tú Anh, không thể không kể đến vợ chồng ông Hồ Anh Ngọc, bà Nguyễn Hương Liên (ông Hồ Anh Ngọc là em trai ông Hồ Hùng Anh).

Ông Hồ Anh Ngọc (sinh năm 1982) từng giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Masteries Group trong giai đoạn 2011 – tháng 7/2012. Hiện tại, ông đang là Chủ tịch HĐQT CTCP One Mount Group. Tại Đại hội đồng cổ đông của Techcombank diễn ra sáng 24/4/2021 đã biểu quyết, bầu ông Hồ Anh Ngọc vào HĐQT ngân hàng này nhiệm kỳ 2019 – 2024.

Còn bà Nguyễn Hương Liên (sinh năm 1985) là em dâu của ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank.

Bà Hương Liên từng làm đại diện phần vốn góp tại 6 công ty con của Masterise Group, là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Masterise Center, Công ty TNHH Dịch vụ Khách sạn Masterise Hotels, Công ty TNHH Dịch vụ nghỉ dưỡng Masterise World, Công ty TNHH Môi giới Masterise, Công ty TNHH Dịch vụ và Quản lý Bất động sản Masterise Services, Công ty TNHH Môi giới Masterise Agents.

Cả 6 công ty đều được thành lập vào tháng 2/2020, có vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng. Sau đó, trong khoảng thời gian từ 4/2020 đến 5/2020, vị trí của bà Hương được chuyển sang cho ông Trần Quốc Hoài (Phó tổng giám đốc Masterise Homes, đang là pháp chế bán thời gian tại Techcombank AMC).

Trong khi đó, tại Techcombank, nữ doanh nhân 36 tuổi hiện nắm giữ gần 70 triệu cổ phiếu Techcombank, tương ứng giá trị thị trường khoảng 2.800 tỷ đồng. Điều này giúp bà Hương lọt top 10 người phụ nữ quyền lực nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Mối lo từ việc huy động trái phiếu “khủng” của hệ sinh thái Masterise Group

Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An có quy mô lên tới 117,4 ha, tọa lạc tại tọa lạc tại phường An Phú, quận 2, Tp. HCM, do CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) làm chủ đầu tư.

Ngày 30/7/2021, thượng tầng SDI Corp có sự thay đổi lớn khi bà Mai Thị Kim Oanh (SN 1980) thay thế cho Bùi Đức Khoa (SN 1974) làm Chủ tịch HĐQT SDI Corp. Được biết, bà Mai Thị Kim Oanh là Trưởng ban Kiểm soát của Masterise Group.

Cũng trong tháng 7/2021, các pháp nhân cùng nhóm SDI là CTCP Phú Hoàng Vương, CTCP Osaka Garden và CTCP Hoa Phú Thịnh đã hút về tới 11.200 tỉ đồng qua kênh trái phiếu.

Dòng vốn trái phiếu kể trên đều nhắm tới một mục đích duy nhất: Đặt cọc để nhận chuyển nhượng một phần Dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An.

Trong đó, CTCP Osaka Garden, CTCP Hoa Phú Thịnh và CTCP Phú Hoàng Vương hút về lần lượt 3.400 tỉ đồng, 3.130 tỉ đồng và 4.670 tỉ đồng. Các lô trái phiếu đều có kỳ hạn 4 năm. Lãi suất áp dụng cho năm đầu tiên là 12,9%/năm, năm tiếp theo là 11%/năm và 2 năm còn lại bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 4%/năm.

Và một lần nữa, sự kiện liên quan đến Masterise lại có “bóng dáng” của Techcombank. Bởi các lô trái phiếu đều được thu xếp bởi Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS).

Theo thống kê, các doanh nghiệp thuộc nhà Masterise nằm trong top dẫn đầu về phát hành trái phiếu kể từ đầu năm 2021 khi thị trường nóng trở lại (loại trừ các doanh nghiệp tài chính). Ở trường hợp Sài Gòn Bình An, nếu thực sự dự án này đã về tay Masterise Group, tổng lượng phát hành có thể lên tới 26.000 tỷ đồng. Trước đó, CTCP Voyage phát hành 2.300 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Golden Hill phát hành 5.760 tỷ đồng phục vụ dự án 87 Cống Quỳnh. Hay như Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Masterise Dream phát hành 7.200 tỷ đồng để mua lại một phần dự án đô thị tại Văn Giang, Hưng Yên.

Mới đây, Bộ Tài chính đã lên tiếng cảnh báo, các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không.

Nhiều người nhà của Chủ tịch Techcombank Hồ Tùng Anh đang giữ vị trí chủ chốt tại Masterise Group.

Theo Bộ Tài chính, thời gian vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có tốc độ tăng trưởng nhanh, sau gần 8 tháng triển khai các quy định mới tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, thị trường TPDN vẫn duy trì đà tăng trưởng. Khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ 7 tháng năm 2021 tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, bên cạnh các tác động tích cực giúp các doanh nghiệp (DN) huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, thị trường TPDN riêng lẻ cũng tiềm ẩn một số rủi ro như một số doanh nghiệp nhất là DN bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao; chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế (chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản); có sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ.

Theo Doanh Nhân Việt Nam