Bài 14: Luật sư Trương Anh Tú đề xuất 5 giải pháp `giải cứu` doanh nghiệp trong “bão dịch”

Doanh nghiệp đứng trước “thập diện” khó khăn

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp cho thấy, luỹ kế 7 tháng đầu năm 2021, có gần 80.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có khoảng 11.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Điều này cho thấy làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 lan rộng trên 62 tỉnh thành nước ta đã và đang bào mòn sức chống chịu của các doanh nghiệp. Đặc biệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và hoạt động của một số nhóm lĩnh vực dịch vụ như du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống, chiếu phim, thể thao, vui chơi và giải trí,… Để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Chính phủ cũng đã tung ra nhiều gói cứu trợ kinh tế lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, bên cạch các gói cứu trợ kinh tế, trong năm 2020, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp chính sách thuế linh hoạt như miễn giảm, giãn thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất với nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.

Hiện nay, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021, trong đó giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số giải pháp cấp bách ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, bao gồm cả giải pháp về thuế.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất gói giải pháp cứu nguy doanh nghiệp và kiến nghị các giải pháp đề xuất bổ sung về số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành.

Cần điều chỉnh bổ sung các giải pháp về chính sách thuế

Trao đổi với Tạp chí Doanh nhân Việt Nam, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm cho rằng, Việt Nam cơ bản cũng đã ban hành nhiều chính sách, đặc biệt là các giải pháp về thuế, để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Những pháp này sẽ góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Đặc biệt, việc gia hạn nộp thuế sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết được bài toán về dòng tiền, dành nguồn lực tập trung duy trì và phục hồi sản xuất – kinh doanh.

Tuy nhiên, để có thể chiến thắng dịch bệnh trên nhiều phương diện thì bên cạnh việc hạn chế dịch bệnh, cần có những chính sách hợp lý nhằm thích nghi và ứng phó với dịch bệnh kéo dài và tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế nhanh chóng ngay khi dịch bệnh được khống chế, không để nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Luật sư Trương Anh Tú cũng đề xuất 5 giải pháp cứu doanh nghiệp trong “bão dịch” Covid-19.

Một là, cần tăng số lượng miễn, giảm các loại thuế. Đối với doanh nghiệp và các cá nhân kinh doanh, khó khăn lớn về mặt tài chính chủ yếu nằm ở việc duy trì dòng tiền và lãi vay. Vì vậy, gói hỗ trợ miễn giảm thuế của Chính phủ và Bộ Tài chính có thể sẽ chưa phải là yếu tố mang tính quyết định để giúp doanh nghiệp tồn tại vượt qua đại dịch, tuy nhiên nó đóng vai trò lớn trong việc khích lệ và động viên doanh nghiệp và hơn hết, giúp gia tăng tiêu dùng trong xã hội đặc biệt trong hoàn cảnh hạn chế của ngân sách Nhà nước.

Ngoài các sắc thuế trong dự thảo đã miễn giảm đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất.., Chính phủ có thể cân nhắc thêm việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế trước bạ với một số nhóm sản phẩm chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch.

Hai là, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần tiếp tục được thực hiện theo hướng tập trung hơn, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, trên cơ sở đánh giá, khảo sát nhanh tác động của dịch Covid-19 đến ngành, nghề cụ thể và có điều kiện, tiêu chí.

Ba là, tăng thời gian hỗ trợ gia hạn nộp thuế, cho phép kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất và bổ sung đối tượng gia hạn để doanh nghiệp đỡ khó khăn về thanh toán chi phí. Đối với tiền sử dụng đất thì cần phân định rõ các đối tượng được áp dụng và ưu tiên những đơn vị sản xuất như các khu công nghiệp, khu chế suất để đảm bảo tính công bằng hưởng lợi từ chính sách, tránh tình trạng trục lợi từ các doanh nghiệp khác. Đối với thuế VAT cần xem xét hỗ trợ giảm thuế và hoàn thuế trong thời gian ngắn cho doanh nghiệp bởi đây là loại thuế mà diện điều tiết rộng. Thuế này không cần phải có lợi nhuận mới phải nộp như thuế thu nhập doanh nghiệp. Thuế này phát sinh ngay khi cung cấp hàng hóa dịch vụ. Giảm thuế GTGT nên tập trung cho ngành dịch vụ như lưu trú khách sạn, du lịch, vận chuyển, chuyên chở trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch, pháp lý…

Bốn là, giải pháp về thuế nên hướng tới tính bền vững và hỗ trợ tăng trưởng. Cụ thể, cần cải cách hệ thống thuế nhằm giảm bớt gánh nặng thuế khóa, tạo nguồn thu ngân sách ổn định và cân bằng cần được coi là quan điểm chủ đạo. Đồng thời, cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước theo hướng ổn định và gia tăng hiệu quả đầu tư phát triển chỉ bố trí vốn ngân sách cho những công trình thật sự cần thiết, có hiệu quả cao và kiểm soát chặt chẽ đầu tư công nhằm tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí, thất thoát, tham nhũng.

Năm là, cần giảm tối đa từ 50% đến 100% các loại thuế như VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp…tiếp tục gia hạn những khoản hỗ trợ hiện tại theo lộ trình cụ thể cho đến hết năm 2021 và có thể hỗ trợ trong thời gian tiếp theo đầu năm 2022 để đảm bảo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tồn tại. Theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, sau ngày 30/7, người nộp thuế chậm nộp giấy đề nghị sẽ không được gia hạn tiền thuế và thuê đất. Do đó, hiện nay có nhiều đơn vị chưa kịp nộp trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên cần gia hạn về thời gian để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp.

Luật sư Tú khẳng định, trong thời điểm khó khăn này, ngoài việc miễn giảm thuế, việc giảm thiểu tối đa thanh kiểm tra doanh nghiệp kể cả đối với các trường hợp hoàn thuế cũng thể hiện sự đồng hành và tiếp sức cho doanh nghiệp.