ACB giữ ngôi anh cả phát hành trái phiếu năm 2021

Ghi nhận trong báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và quý I/2022 mà Bộ Tài chính gửi tới Thủ tướng, cơ quan này điểm mặt 20 doanh nghiệp có lượng phát hành trái phiếu nhiều nhất năm vừa qua.

Đáng chú ý, 13/20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu vừa rồi là các tổ chức tín dụng.

20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất năm 2021 có tổng giá trị phát hành lên tới 237.851 tỷ đồng. Trong đó, riêng lượng phát hành trái phiếu của 13 ngân hàng này đã lên tới 188.013 tỷ đồng, chiếm tới 79% khối lượng phát hành của 20 doanh nghiệp phát hành lớn nhất năm 2021.

Cũng theo Bộ Tài chính, trong năm 2021, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 639.766 tỷ đồng, tăng gần 39% so với năm 2020. Trong đó, trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm tới gần 95%, tương đương 605.520 tỷ đồng, tăng tương ứng 39% so với năm liền trước. Như vậy, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của 20 doanh nghiệp đứng đầu đã chiếm tới 37,7% tổng khối lượng phát hành. Riêng 13 ngân hàng phát hành trái phiếu đã chiếm tới gần 30% tổng khối lượng cả năm 2021.

Ngân hàng có lượng phát hành trái phiếu lớn nhất năm 2021, lên tới 22.700 tỷ đồng. Theo sau là Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) với khối lượng phát hành là 22.200 tỷ đồng.

Có 3 ngân hàng quốc doanh góp mặt vào danh sách top 20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn nhất là BIDV (xếp vị trí thứ 3) với 18.847 tỷ đồng trái phiếu, Vietcombank (vị trí thứ 14) với 7.909 tỷ đồng trái phiếu và Agribank (vị trí thứ 20) với 5.647 tỷ đồng trái phiếu.

Ngoài ra, một số ngân hàng có khối lượng phát hành trái phiếu năm 2021 lên tới trên 10.000 tỷ đồng là VIB (17.500 tỷ đồng), HDBank (17.320 tỷ đồng), TPBank (17.100 tỷ đồng), LienvietPostBank (15.990 tỷ đồng), SHB (12.400 tỷ đồng), ABBank và OCB cùng 11.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, năm vừa qua, 24 tổ chức tín dụng đã đăng ký tổng cộng 334 đợt phát hành. Giá trị đăng ký lên tới 249.065 tỷ đồng và tổng giá trị phát hành ra là 219.085 tỷ đồng. Tỉ trọng phát hành của các tổ chức tín dụng chiếm tới hơn 36%. Đây cũng là nhóm chiếm tỉ trọng lớn nhất. Xếp vị trí thứ 2 là bất động sản (tỉ trọng 33,16%), thương mại dịch vụ (tỉ trọng 5,5%), sản xuất (tỉ trọng 4,59%), xây dựng (tỉ trọng 3,19%), kinh doanh chứng khoán (tỉ trọng 3%)…

Gần nhất, theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), phần lớn doanh nghiệp phát hành trái phiếu tháng 4/2022 cũng đến từ các ngân hàng thương mại, với giá trị 14.940 tỷ đồng, chiếm 90,7% tổng giá trị phát hành. Trong nhóm này, MBBank là nhà băng phát hành nhiều nhất với 4.600 tỷ đồng trái phiếu và Sacombank đứng sau với 2.500 tỷ đồng trái phiếu phát hành, đều cùng kỳ hạn 3 năm.

Đáng chú ý, thời gian vừa rồi, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 8857/CĐ-VPCP, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng tại 8 ngân hàng Techcombank, HDBank, TPBank, SHB, PVComBank, VietBank, SeABank và Baoviet Bank.

Đoàn thanh tra giám sát cũng đã báo cáo người ra quyết định thanh tra và trình Thống đốc NHNN báo cáo kết quả thanh tra, bổ sung nội dung thanh tra hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.

Đồng thời, kết quả thanh tra cũng được gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để xử lý các sai phạm liên quan đến việc sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu của các tổ chức phát hành.

Trong danh sách 20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất năm 2021 còn có sự xuất hiện của một số doanh nghiệp bất động sản và một hãng hàng không là Vietjet.

Vạn Trường Phát và Sovico đều phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu, Becamex IDC phát hành 6.000 tỷ đồng trái phiếu còn Novaland phát hành 5.938 tỷ đồng.

Điểm cần lưu ý là có 2 doanh nghiệp địa ốc trong top 20 phát hành trái phiếu với tỉ lệ gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu. Điển hình như Mediterranena Revival Villas với vốn chủ sở hữu chỉ 153 tỷ đồng nhưng năm vừa qua đã phát hành tới 7.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tương đương tỉ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu lên tới hơn 47 lần.

Hay Công ty Osaka Garden năm vừa qua phát hành 7.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp nhưng vốn chủ sở hữu chỉ đạt 270 tỷ đồng. Như vậy, tỉ lệ khối lượng phát hành trái phiếu/vốn chủ sở hữu của nhà phát triển bất động sản này lên tới 28,5 lần.

Một hãng hàng không là Vietjet cũng phát hành 7.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm qua