Theo thông báo của Thủ tướng Anh Boris Johnson, nước này thực hiện “giãn cách xã hội” từ ngày 23-3 để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19).

Khi Anh bước vào tuần thứ 2 thực hiện quy định này, bà Jenny Harries, phó giám đốc Cơ quan y tế công cộng của Anh, cảnh báo: “Các biện pháp ngăn chặn phải được duy trì vào cuối giai đoạn kéo dài ba tuần. Sau đó, chúng ta chưa thể quay trở lại cách sống bình thường. Điều đó sẽ khá nguy hiểm”.

“Nếu dừng lại, những nỗ lực của chúng ta sẽ bị lãng phí và có thể thấy một đỉnh dịch thứ hai” – bà Jenny Harries nhận định thêm hôm 29-3.

Quan chức này nhấn mạnh tiếp: “Tôi nghĩ rằng sau ba tuần này, chúng ta cần thêm 2 hoặc 3 tháng nữa để xem liệu virus SARS-CoV-2 có thực sự bị tiêu diệt hay không. Việc “giãn cách xã hội” kéo dài khoảng 3-6 tháng là lý tưởng. Nếu thời gian còn có thể kéo dài hơn thế thì hợp lý hơn”.

Anh không phải là quốc gia duy nhất khuyến cáo các biện pháp khống chế dịch Covid-19 sẽ kéo dài lâu hơn thông báo ban đầu.

Hai người dân đi cách xa nhau ở Anh theo lệnh “giãn cách xã hội”. Ảnh: TIME.com

Là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của châu Âu và là nơi đầu tiên trên lục địa áp đặt biện pháp phong tỏa, Ý nói rằng các biện pháp trên có thể được kéo dài đến ngày 31-7 mặc dù kinh tế của họ bị ảnh hưởng đến mức tê liệt.

Cơ quan phòng chống và kiểm soát dịch bệnh của Đức, Viện Robert Koch, tuyên bố hồi đầu tháng 3 rằng những biện pháp hạn chế đối với cuộc sống người dân nhằm đối phó virus SARS-CoV-2 có thể kéo dài trong vòng 2 năm cho đến khi có vắc-xin.

“Một số biện pháp “giãn cách xã hội” có thể sẽ cần thiết trong ít nhất sáu tháng” – chuyên gia về dịch tễ học William Hanage tại Trường ĐH Harvard (Mỹ) nói với đài France 24.

Trong khi đó, ông Greg Gray, nhà dịch tễ học tại Trường ĐH Y khoa Duke (Mỹ) cho rằng virus đã hoành hành mạnh tại Anh và Ý nên “miễn dịch cộng đồng” có thể xuất hiện tại các quốc gia này sớm hơn hầu hết nước khác. Do đó, 6 tháng “giãn cách xã hội” có thể hợp lý đối với Anh. Trong khi đó, 2 năm là hợp lý hơn đối với Đức nếu sự lây nhiễm vẫn còn thấp.

Bằng cách giảm thiểu số lượng người nhiễm virus SARS-CoV-2, biện pháp phong tỏa sẽ bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên, chúng không làm cho mọi người miễn dịch. Do đó, các nhà khoa học cho rằng virus sẽ hồi sinh khi các hạn chế được dỡ bỏ.

Một nghiên cứu của Trường Cao đẳng Hoàng gia London – được biết đến nhiều vì đã giúp thuyết phục được Thủ tướng Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn để chống lại virus – dự đoán rằng nếu các biện pháp hạn chế kết thúc sau 5 tháng, một làn sóng nhiễm virus thứ 2 sẽ xuất hiện vào cuối mùa thu.

Trước điều đó, hầu hết nhà dịch tễ học tin rằng một khi các biện pháp “giãn cách xã hội” được nới lỏng, nó cần phải đi kèm với xét nghiệm rộng rãi và cách ly người bệnh trong 14 ngày.


Gia Minh (Theo France24)