“Tôi nghĩ rằng chúng ta sắp bước vào thời điểm mà một trong hai bên sẽ gặt hái thành công. Có thể là Nga đạt được bước tiến ở TP Slovyansk và TP Kramatorsk của tỉnh Donetsk, cũng có thể là quân đội Ukraine chặn được bước tiến của Nga” – một quan chức giấu tên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định.

Thời khắc quan trọng này cũng có thể mang đến một quyết định khó khăn dành cho chính phủ phương Tây, những nước đến giờ vẫn hậu thuẫn Ukraine bất chấp ảnh hưởng kinh tế từ lệnh trừng phạt Nga gia tăng trong lúc kho vũ khí của họ vơi dần.

Theo đài CNN ngày 14-6, một vài quốc gia phương Tây đã bắt đầu lo ngại rằng dòng chảy khí tài viện trợ cho Ukraine có thể khiến kho vũ khí của chính họ cạn kiệt.

Xe tăng của các lực lượng Ukraine ở vùng Donetsk – Ukraine hôm 13-6 Ảnh: REUTERS

Cùng với nỗi lo này, hàng loạt thách thức kinh tế liên quan đến lạm phát và giá nhiên liệu leo thang đã khiến một vài quan chức lo sợ rằng sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine có thể phai nhạt.

Cũng trong ngày 14-6, Thứ trưởng phụ trách Chính sách Quốc phòng Mỹ Colin Kahl tái khẳng định cam kết của Washington trong việc hỗ trợ Ukraine tự vệ. Phát biểu tại sự kiện do Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) tổ chức, ông Kahl còn tuyên bố rằng Washington sẽ không ép Ukraine đàm phán thỏa thuận ngừng bắn với Nga.

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Trường ĐH Kinh tế Kiev (Ukraine), thiệt hại mà ngành nông nghiệp Ukraine phải hứng chịu vì chiến dịch quân sự của Nga đến giờ đã chạm ngưỡng 4,3 tỉ USD.

“Kinh tế Ukraine có thể suy giảm 45% trong khi hàng chục triệu người trên thế giới đang đối diện nguy cơ thiếu lương thực vì xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine bị gián đoạn và ngành nông nghiệp Ukraine tiếp tục chịu tổn thất” – báo cáo khẳng định.

 Theo hãng tin Bloomberg, giá lương thực toàn cầu đang tiệm cận mức cao kỷ lục với hàng triệu tấn ngũ cốc và dầu thực vật bị mắc kẹt ở Ukraine.


Cao Lực