Sau khi Azerbaijan tuyên bố giành được ngôi làng Karbakh, Tổng thống Aliyev gửi lời chúc mừng đến một chỉ huy quân đội. Trước đó, Tổng thống Aliyev xác nhận việc binh sĩ Azerbaijan giải phóng ngôi làng Madagiz, quyết định đổi thành tên cũ Sugovushan kể từ ngày 2-10. Về phía Armenia, nước này cũng tuyên bố kiểm soát nhiều khu vực trọng yếu ở Nagorno-Karabakh và sẽ dùng “mọi thứ cần thiết” để bảo vệ người của mình.

Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan kêu gọi người Armenia đoàn kết vì “đang đối mặt với thời khắc quyết định nhất trong lịch sử hàng thiên niên kỷ”. Ông Artsrun Hovhannisyan thuộc Bộ Quốc phòng Armenia cho biết tình hình thay đổi liên tục. Hãng Reuters dẫn lời ông Artsrun nhận xét: “Trong cuộc chiến quy mô lớn như thế này thì sự thay đổi là bình thường. Chúng ta có thể chiếm được rồi rời đi chỉ trong vòng một giờ”.

Đám tang của binh sĩ Azerbaijan thiệt mạng ở Nagorno-Karabakh hôm 1-10 Ảnh: REUTERS

Cuộc giao tranh đang rất căng thẳng và 2 bên huy động nhiều hệ thống khí tài quân sự uy lực để tham chiến. Đến nay, ít nhất 230 người thiệt mạng trong cuộc giao tranh tại Nagorno-Karabakh. Mỗi bên đều tuyên bố tiêu diệt hàng trăm xe tăng của đối phương. Những ngày qua, Azerbaijan đăng tải nhiều đoạn video ghi lại cảnh các máy bay không người lái (UAV) của nước này tấn công vào khí tài quân sự và quân nhân Armenia. 

Ngày 3-10, Armenia tuyên bố bắn rơi 3 UAV của Azerbaijan. Dù Azerbaijan không tiết lộ loại UAV họ sử dụng trong các cuộc tấn công, giới quan sát quân sự phỏng đoán đây là chiếc Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ ủng hộ Azerbaijan cho đến khi giành lại được Nagorno-Karabakh. Thông báo ngày 3-10 từ đài quan sát nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh cho biết hơn 64 tay súng thân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng tại Nagorno-Karabakh. Các tay súng này thuộc 1.200 phiến quân ủng hộ Ankara ở Syria được Thổ Nhĩ Kỳ cử đến trợ chiến cho Azerbaijan.

Trước đó, một số thông tin tình báo cho biết 300 phiến quân Syria thuộc “các nhóm thánh chiến” từ TP Aleppo – Syria đi qua TP Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ và hướng tới Azerbaijan. Armenia cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ điều động các tay súng Syria chiến đấu ở Nagorno-Karabakh, song Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 3-10 tuyên bố các bên thứ ba không được can dự vào xung đột trên vì sẽ khiến tình hình phức tạp thêm. Tờ New York Times đưa tin một phó chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Quốc hội Nga trong tuần qua lần đầu tiên đề xuất kịch bản Nga can thiệp quân sự như một nỗ lực gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, nhiều quan chức cấp cao trong Điện Kremlin đang kêu gọi thiết lập cơ chế ngừng bắn.

Phớt lờ nỗ lực hòa giải của nhiều nước, các bên tham chiến vẫn tiếp tục nã pháo và tên lửa về phía nhau trong suốt 7 ngày qua. Đây là đợt đụng độ mới nhất trong cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ, đe dọa kéo cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng tham gia. Trước đó, ngày 27-9, xung đột bùng phát dữ dội tại khu vực Nagorno-Karabakh, vùng lãnh thổ của Azerbaijan được cộng đồng quốc tế thừa nhận nhưng có đa số dân số là người gốc Armenia.


Huệ Bình

Chia sẻ