Malaysia sẽ bắt đầu xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, thay vì đại dịch, vào cuối tháng 10 trong hướng đi được một số nước Đông Nam Á khác chọn lựa.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia Mohamed Azmin Ali hôm 7-9 cho biết thông tin trên khi trả lời phỏng vấn đài CNBC, đồng thời nhấn mạnh yếu tố dễ tiếp cận và mức giá phải chăng của vắc-xin là những yếu tố then chốt trong nỗ lực bảo đảm phục hồi kinh tế bền vững.

Cũng theo ông Ali, hơn 75% dân số trưởng thành của Malaysia dự kiến được tiêm vắc-xin đầy đủ vào cuối tháng 10. Hiện giờ, 88% người trưởng thành, tương đương khoảng 63% dân số Malaysia, đã được tiêm ít nhất 1 mũi.

Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin vào tuần rồi cho biết nước này sẽ giản lược một số biện pháp giãn cách xã hội trong những tuần tới để chuẩn bị cho giai đoạn xem Covid-19 là bệnh đặc hữu với nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội hơn được mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, người dân vẫn phải giữ khoảng cách ở nơi đông người và đeo khẩu trang để ngăn sự lây lan của virus. Malaysia có lý do để thận trọng bởi nước này vẫn đang có số ca Covid-19 ở mức cao với 18.574 ca được ghi nhận hôm 7-9.

Kể từ khi dịch bùng phát, chính phủ Malaysia đã phải áp đặt nhiều đợt phong tỏa, tác động tiêu cực đến kinh tế đất nước. Ngân hàng Trung ương Malaysia vào tháng rồi hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 xuống còn 3%-4%, so với mức 6%-7,5% trước đó.

Người dân tại thủ đô Kuala Lumpur – Malaysia hôm 6-9Ảnh: Reuters

Trước đó, Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên chuyển sang xem Covid-19 là bệnh đặc hữu và thế giới đang theo dõi sát sao quyết định mở cửa lại của nước này.

Dù vậy, những gì diễn ra ở Singapore nêu bật không ít thử thách đối với mô hình “sống chung với Covid-19” ngay cả khi đây là một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Giới chức quốc gia Đông Nam Á này không loại trừ khả năng tái áp đặt các biện pháp hạn chế nếu số ca nhiễm tăng.

“Chúng ta phải làm chậm tốc độ lây nhiễm. Đây là những biện pháp cuối cùng. Chúng ta sẽ cố hết sức để hạn chế tái áp dụng chúng. Tuy nhiên, chúng ta không nên loại trừ hoàn toàn khả năng này” – Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong, đồng chủ tịch lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của chính phủ, nhấn mạnh tại cuộc họp báo hôm 6-9.

Trong bối cảnh số ca Covid-19 tăng mạnh, Bộ Y tế Singapore cùng ngày cho biết sẽ tăng tần suất xét nghiệm bắt buộc tại những môi trường có nguy cơ cao, như dịch vụ chăm sóc cá nhân và phòng tập gym.

Ngoài ra, nhà chức trách sẽ mở rộng yêu cầu xét nghiệm bắt buộc đối với những người phải tiếp xúc thường xuyên với người khác, như nhân viên tại trung tâm thương mại và siêu thị. Kể từ ngày 8-9, chính phủ sẽ không còn cho phép tụ tập đông người tại nơi làm việc. Ngoài ra, người dân được khuyên hạn chế tụ tập xã hội trong 2 tuần tới, theo tờ The Straits Times.

Chính phủ Singapore trước đó phát đi tín hiệu rằng nước này sẽ nới lỏng hơn nữa các biện pháp phòng dịch khi có 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Theo Bộ Y tế Singapore, 81% người dân nước này đã được tiêm 2 liều vắc-xin Covid-19 tính đến ngày 4-9. 

Biến thể Mu tiếp tục lây lan

Biến thể Mu của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ tính đến ngày 6-9, theo dữ liệu mới nhất của trang GISIAD. Dù số ca nhiễm do biến thể Mu gây ra hiện chưa nhiều nhưng giới chuyên gia lo ngại biến thể mới này có nguy cơ dễ lây nhiễm hơn biến thể Delta và kháng vắc-xin.

Theo trang Outbreak.info, biến thể Mu chiếm đến 70% ca mắc mới trong 60 ngày qua tại Colombia, nơi biến thể này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 1-2021. Ngoài ra, biến thể Mu còn được phát hiện ở nhiều nước châu Mỹ và châu Âu, cũng như một vài quốc gia châu Á.

Riêng tại Mỹ, 49/50 bang đã ghi nhận các ca mắc biến thể Mu, trong đó nhiều nhất là tại bang California.

Xuân Mai


HOÀNG PHƯƠNG

Chia sẻ