Dù vậy, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định có thể được ngăn chặn dịch Covid-19 bằng các biện pháp phù hợp.

Số ca tử vong trong Covid-19 trên toàn cầu đã vượt 3.000 người và hiện đã lây lan ra 66 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại buổi họp báo ngày 2-3, ông Ghebreyesus thông báo tình hình bùng phát dịch bệnh bên ngoài Trung Quốc đang gia tăng đáng lo ngại, nhất là tại Hàn Quốc, Ý, Iran và Nhật Bản. Tình hình dịch bệnh tại 4 nước này đang là mối lo ngại lớn nhất của cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc. 

Ông Tedros cho biết số ca nhiễm mới bên ngoài Trung Quốc trong một ngày qua đã cao gấp 9 lần số ca nhiễm được ghi nhận tại nước này.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus họp báo tại Thụy Sĩ ngày 2-3. Ảnh: CNN

Tại châu Âu, Ý đang được xem là nguồn bùng phát dịch với khoảng 2.036 ca nhiễm. Số ca tử vong từ 34 đã nhảy vọt lên 52 trường hợp trong ngày 2-3. Đây là mức tăng số ca tử vong một ngày cao nhất tại Ý kể từ khi lây nhiễm bùng phát khoảng 10 ngày trước. Dịch bệnh khởi đầu từ hai vùng phía Bắc là Lombardy và Veneto. Đức đang bị xem là điểm bùng phát dịch mới ở “lục địa già” với số ca nhiễm tính đến hết ngày 2-3 cũng là 165 trường hợp.

Nhà thờ Duomo ở thành phố Milan mở cửa trở lại lần đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở phía Bắc Ý. Ảnh: REUTERS

Trong lần cập nhật gần nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), số ca nhiễm được phát hiện từ chiều 1-3 đến chiều 2-3 là 599. Tổng số bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 tại nước này đã lên đến 4.335 người.

Trong khi đó, Iran trở thành tâm dịch Covid-19 của Trung Đông. Mức độ lây lan tại nước này được nhiều chuyên gia so sánh với TP Vũ Hán giai đoạn đầu của bùng phát. Tính đến ngày 3-3, số ca dương tính ở Iran đã lên đến 1.501. Số ca tử vong được xác nhận là 66 bệnh nhân, đưa nước này trở thành nơi có số ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 cao thứ 2 thế giới. Một nhân viên của WHO ở Iran dương tính với SARS-CoV-2 mặc dù các triệu chứng ở mức độ nhẹ.

Ông Tedros nhấn mạnh “có thể đẩy lùi virus”, nhưng sự kỳ thị còn nguy hiểm hơn chính Covid-19. Người đứng đầu WHO cho biết sự phát triển của bệnh Covid-19 trên toàn cầu không phải là “con đường một chiều” và có thể chống lại nếu các quốc gia hành động nhanh chóng và hiệu quả, bắt đầu bằng các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ virus SARS-CoV-2 lây lan. 

“Không có lựa chọn nào khác ngoài hành động ngay bây giờ” – ông Tedros nói. Trước nguy cơ lây nhiễm và ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên mức rất cao ở cấp độ toàn cầu, các sân bay ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề như Ý, Hàn Quốc đang tăng cường sàng lọc khách du lịch. Cơ quan quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) dự kiến ​​sẽ có khả năng thực hiện 1 triệu xét nghiệm virus sắp tới.

Nhờ các biện pháp kiểm dịch hiệu quả, ông Tedros cho biết trong số 62 quốc gia, vùng lãnh thổ báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh, 38 trong số đó ghi nhận 10 trường hợp nhiễm mới hoặc ít hơn. “Khoảng 8 quốc gia đã không báo cáo các trường hợp mới trong hai tuần và đã có thể ngăn chặn sự bùng phát” – ông Tedros nói thêm. 

Ông Tedros nhấn mạnh WHO đang giám sát mọi diễn biến của tình hình mỗi ngày và sẽ không ngần ngại mô tả đây là đại dịch nếu các bằng chứng thể hiện rõ điều đó.


H.Bình (Theo BBC)