Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 5-3 kêu gọi mọi quốc gia dốc toàn lực chống virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra dịch Covid-19.

Ông Tedros khẳng định giới chức y tế thế giới “cực kỳ quan ngại” về việc ngày càng có nhiều quốc gia thông báo ca nhiễm, đặc biệt là những nước có hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa tốt. Theo ông Tedros, dù Covid-19 là mối đe dọa với mọi quốc gia, kể cả những nước giàu có nhất, dịch bệnh này “có thể bị đẩy lùi” nếu chính phủ các nước hành động nhanh chóng, quyết liệt cùng với sự quyết tâm sáng suốt.

“Đây không phải là một cuộc diễn tập. Đây không phải là lúc viện cớ. Đây là lúc dốc toàn lực để chấm dứt Covid-19” – ông Tedros nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo vẫn còn nhiều quốc gia chưa “xem xét khủng hoảng Covid-19 một cách thực sự nghiêm túc”, ngay cả khi virus đang lây lan nhanh chóng bên ngoài Trung Quốc.

Cũng trong buổi họp báo hôm 5-3 tại TP Geneve – Thụy Sĩ, ông Tedros cho biết WHO đang triển khai chiến dịch y tế mới trên mạng xã hội với tên gọi “Hãy sẵn sàng đối phó Covid-19”, kêu gọi người dân cập nhật thông tin chính xác để phòng ngừa dịch bệnh bằng các biện pháp an toàn và khôn ngoan. “Mức độ chết chóc của Covid-19 phụ thuộc không chỉ vào bản thân virus mà còn qua cách chúng ta ứng phó” – ông Tedros khẳng định.

Tổng giám đốc WHO đưa ra những cảnh báo trên trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục lan nhanh bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là tại Hàn Quốc, Ý và Iran.

Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), số người nhiễm và thiệt mạng vì Covid-19 tại quốc gia này tính đến cuối ngày 5-3 lần lượt là 80.552 và 3.042 người, tăng thêm lần lượt 143 người và 30 người sau 24 giờ. Tuy nhiên, theo NHC, chỉ có 17 ca nhiễm và 1 ca tử vong mới bên ngoài “tâm dịch” Hồ Bắc. Đây là dấu hiệu cho thấy tình hình dịch bệnh đã ổn định tại quốc gia của họ.

Binh sĩ phun thuốc khử trùng tại một sân bay ở TP Daegu – Hàn Quốc ngày 6-3 Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 6-3 thông báo thêm 518 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 6.248. Cũng theo KCDC, quốc gia của họ có thêm 7 ca tử vong, lên tổng số 42 ca – chủ yếu là người lớn tuổi với những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Tại Ý, theo đài Al Jazeera, tổng số người nhiễm và thiệt mạng vì Covid-19 đã tăng lên lần lượt 3.858 người và 148 người, thêm lần lượt 769 và 41 người sau 24 giờ.

Tại Iran, theo hãng thông tấn Fars, số người nhiễm Covid-19 tính đến ngày 5-3 đã lên đến khoảng 3.500 – trong đó có 107 người thiệt mạng, bao gồm cựu đại sứ Iran tại Syria Hossein Sheikholeslam.

Trong một nỗ lực đối phó Covid-19, Thượng viện Mỹ hôm 5-3 thông qua dự luật trị giá 8,3 tỉ USD với tỉ lệ phiếu thuận – chống là 96 – 1, sau khi Hạ viện Mỹ tiến hành động thái tương tự vào 1 ngày trước đó với tỉ lệ phiếu thuận – chống là 415 – 2.

Theo AP, dự luật này sẽ cung cấp tiền cho các cơ quan y tế công liên bang phát triển và thử nghiệm vắc-xin cũng như các biện pháp chữa trị khả thi khác. Bên cạnh đó, dự luật còn hỗ trợ các chính quyền bang, địa phương đối phó dịch Covid-19. Thượng viện Mỹ thông qua dự luật này nhằm hỗ trợ giải quyết dịch bệnh với hy vọng trấn an người dân, đẩy mạnh chiến dịch ứng phó của chính phủ trong lúc virus đang lây lan tại Mỹ.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến ngày 5-3, Mỹ đã ghi nhận ít nhất 129 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 12 người tử vong.

Theo hãng tin Bloomberg, ngay cả những chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu thế giới hiện vẫn chưa thể biết chắc chắn mức độ chết chóc của Covid-19. WHO hồi đầu tuần này khẳng định tỉ lệ tử vong của Covid-19 là khoảng 3,4%. Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế dự đoán con số này sẽ giảm khi lượng người nhiễm gia tăng. 

Một công nhân mang khẩu trang làm việc tại một nhà máy ở tỉnh Giang Tô – Trung Quốc hôm 29-2 Ảnh: Reuters

Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương “trúng đòn mạnh”

Dịch bệnh Covid-19 có thể khiến các nền kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương thiệt hại 211 tỉ USD trong năm nay. Đó là dự báo được Công ty S&P Global Ratings (Mỹ) đưa ra ngày 6-3 giữa lúc dịch đang lây lan.

Theo đài CNBC, báo cáo trên cũng dự báo kinh tế khu vực sẽ chỉ tăng trưởng 4% do những cú sốc từ nguồn cung và nhu cầu. Tỉ lệ này thấp hơn mức 4,8% được đưa ra hồi tháng 12-2019 và là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong kịch bản xấu nhất, kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng chưa đến 3% trong lúc Nhật Bản, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đối mặt nguy cơ suy thoái.

Các nền kinh tế sẽ chịu thiệt hại từ nhu cầu suy yếu khi người tiêu dùng ngại ra ngoài do sợ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19 và nguồn cung ứng sụt giảm khi các ngành công nghiệp bị “trúng đòn” từ tình trạng phong tỏa hoặc đóng cửa. “Sự lây lan rộng lớn hơn của dịch Covid-19 trên thế giới sẽ kéo dài tác động tiêu cực đối với các nền kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương. Các hộ gia đình, công ty, ngân hàng và chính phủ sẽ cùng gánh những thiệt hại này” – báo cáo nhận định.

Dù vậy, theo S&P Global Ratings, kinh tế khu vực này có thể hồi phục vào cuối năm 2021 nếu trong quý II/2020 xuất hiện những dấu hiệu cho thấy dịch bệnh được khống chế trên thế giới.

Cũng trong ngày 6-3, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định dịch Covid-19 đe dọa làm giảm tốc độ tăng trưởng của kinh thế châu Á nói riêng và thế giới nói chung. Theo ADB, kinh tế toàn cầu có thể tổn thất đến 347 tỉ USD trong kịch bản tồi tệ nhất hoặc 156 tỉ USF trong kịch bản vừa phải. Riêng Trung Quốc có thể bị thiệt hại 103 tỉ USD, tương đương 0,8% GDP trong kịch bản vừa phải.

Hoàng Phương


Cao Lực