Trước đó, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) đã khuyến cáo các bậc cha mẹ đảm bảo rằng con họ đã được tiêm phòng sau khi phát hiện ra virus bại liệt trong quá trình giám sát nước thải định kỳ ở London.

Theo hãng tin Reuters, đây là dấu hiệu đầu tiên kể từ những năm 1980 cho thấy vi rút có thể lây lan ở nước này, nhưng các nhà chức trách cho biết không có ca bệnh nào được tìm thấy.

Vắc-xin bại liệt đường uống có thể là nguồn gốc của virus trong nước thải – Ảnh: UNICEF

Sau khi vấn đề được báo cao, WHO đã có câu trả lời vào cuối ngày 22-6. Tờ Medical Xpress, dẫn lời các quan chức WHO trong một tuyên bố rằng “virus bại liệt có nguồn gốc từ vắc-xin bại liệt type 2” đã được tìm thấy trong các mẫu giám sát môi trường ở thủ đô nước Anh.

“Điều quan trọng cần lưu ý là virus chỉ được phân lập từ các mẫu môi trường” – WHO nói và nhấn mạnh thêm rằng “không có ca bệnh liên quan nào được phát hiện”.

Tuy nhiên WHO cũng cảnh báo bất kỳ dạng virus bại liệt nào ở bất cứ đâu đều là mối đe dọa đối với trẻ em.

Trong những thập kỷ gần đây, bệnh bại liệt đã hầu như bị xóa sổ do nỗ lực tiêm chủng toàn cầu. Các ca bệnh đã giảm 99% kể từ năm 1988, năm mà bệnh lưu hành ở 125 quốc gia với 350.000 ca trên toàn thế giới.

Phiên bản “hoang dã” của virus bại liệt hiện chỉ còn tồn tại ở Afghanishtan và Pakistan, nhưng vắc-xin bại liệt đường uống (OPV) là vắc-xin sống, nên nếu virus từ vắc-xin dù chỉ là lượng nhỏ và đã suy yếu thì cũng có khả năng gây ra bùng phát ở những nơi mà tỉ lệ bao phủ vắc-xin bại liệt ở trẻ em còn thấp.

Đó cũng là lý do WHO kêu gọi thay thế dần vắ- xin OPV thành vắc-xin bại liệt dạng bất hoạt (IPV, là vắc-xin dạng tiêm).

WHO cũng cho biết tỉ lệ tiêm chủng phòng bại liệt ở trẻ em London là 87% và cảnh báo về việc một số trẻ có thể trễ mũi tiêm do các đợt giãn cách xã hội phòng Covid-19.


Anh Thư