Dù trong cuộc phỏng vấn của Reuters trước thềm cuộc họp các chuyên gia từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết cuộc họp không công khai thông tin cho truyền thông nhưng đến khuya 4-1 (giờ Việt Nam), tổ chức này bất ngờ thông tin chi tiết cho các báo đài.

Cụ thể, theo thông cáo báo chí mà Báo Người Lao Động vừa nhận được từ WHO, cuộc họp diễn ra giữa Nhóm tư vấn kỹ thuật về sự tiến hóa của virus (TAG-VE) của WHO và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc.

Logo của WHO – Ảnh: WHO

Tại cuộc họp này, như WHO đã yêu cầu mạnh mẽ trước đó, phía Trung Quốc trình bày các dữ liệu liên quan đến kết quả giám sát các biến chủng COVID-19 đang lưu hành thông qua công tác giải trình tự gien virus SARS-CoV-2.

Theo WHO, CDC Trung Quốc đã trình bày dữ liệu bộ gien từ “những gì họ mô tả là trường hợp nhập cảnh cũng như các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mắc phải tại địa phương”.

Đối với các ca mắc phải tại địa phương, dữ liệu được trình bày dựa trên hơn 2.000 bộ gen được thu thập và giải trình tự từ ngày 1-12-2022, cho thấy các dòng Omicron BA.5.2 và BF.7 chiếm ưu thế với tổng tỉ lệ là 97,5% số ca được giải trình tự giám sát. Một số dòng con Omicron đã biết, đã lưu hành ở các quốc gia khác cũng được phát hiện mặc dù với tỉ lệ thấp.

Như vậy, Trung Quốc không báo cáo biến chủng mới nào.

Kể từ ngày 3-1, 773 trình tự từ Trung Quốc đại lục cũng được gửi đến cơ sở dữ liệu chung GISAID, với phần lớn (564 trình tự) được thu thập sau ngày 1-12-2022. Trong số đó, chỉ 95 trường hợp được coi là trường hợp mắc phải tại địa phương, 187 trường hợp nhập cảnh và 261 không có thông tin rõ ràng.

Trong số các trường hợp mắc phải tại địa phương, 95% thuộc dòng BA.5.2 hoặc BF.7. Điều này phù hợp với bộ gen của khách du lịch từ Trung Quốc được các quốc gia khác gửi đến GISAID. Không có biến thể mới hoặc đột biến có ý nghĩa đã biết nào được ghi nhận trong dữ liệu trình tự có sẵn công khai.

TAG-VE nhắc lại nhu cầu cấp thiết và tầm quan trọng của việc phân tích bổ sung cũng như chia sẻ dữ liệu trình tự để hiểu sự tiến hóa của SARS-CoV-2 và sự xuất hiện của các đột biến hoặc biến thể liên quan; nhắc lại yêu cầu gửi dữ liệu nhanh chóng và thường xuyên vào cơ sở dữ liệu có thể truy cập công khai.

“Duy trì mức độ giám sát bộ gen đại diện cao trên khắp Trung Quốc và toàn cầu, chú thích trình tự bộ gen với siêu dữ liệu dịch tễ học và lâm sàng có liên quan, đồng thời chia sẻ nhanh chóng những dữ liệu đó là trụ cột của đánh giá rủi ro toàn cầu kịp thời” – nhóm chuyên gia WHO nhấn mạnh.

WHO khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình ở Trung Quốc và trên toàn cầu, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia tiếp tục cảnh giác, theo dõi và báo cáo các trình tự gien SARS-CoV-2, cũng như tiến hành các phân tích so sánh và độc lập về các dòng phụ Omicron khác nhau, bao gồm cả trên mức độ nghiêm trọng của bệnh mà chúng gây ra.

Tại thời điểm này, TAG-VE cũng đang đánh giá tỉ lệ biến chủng XBB.1.5 đang tăng nhanh ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Đánh giá rủi ro cập nhật của XBB.1.5, ngoài tuyên bố trước đó, đang được tiến hành.

TAG-VE sẽ còn họp thường xuyên và tiếp tục đánh giá dữ liệu hiện có về khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng lâm sàng và khả năng thoát miễn dịch của các biến chủng COVID-19, bao gồm cả tác động tiềm ẩn đối với chẩn đoán, điều trị và hiệu quả của vắc-xin trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng và bệnh nghiêm trọng.

BA.5.2 là dòng con của BA.5 Omicron đã xuất hiện từ giữa năm 2022 ở nhiều nước trên thế giới. Lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận biến chủng phụ này là tháng 7-2022.

BF.7, biến chủng được quan tâm nhiều nhất trong làn sóng COVID-19 tại Trung Quốc, được phát hiện lần đầu tiên ở khu tự trị Nội Mông chỉ vài tháng sau đó, cũng tách ra từ BA.5 và có xu hướng lây lan mạnh của Trung Quốc.

Một số quốc gia đã xác định BF.7 bao gồm Ấn Độ và Malaysia và là một trong những nguyên nhân khiến họ quyết định thắt chặt kiểm dịch biên giới.

XBB.1.5 là dòng con của XBB, một tái tổ hợp của BA.2.10.1 và BA.2.75. Theo thống kê gần nhất của CDC Mỹ thì nó hiện đã chiếm hơn 40% trình tự gien được giải mã giám sát ở nước này.


Anh Thư