Hiện nay, ước tính có khoảng 1,38% dân số toàn cầu bị rối loạn do sử dụng rượu. Các quốc gia có mức tiêu thụ rượu bình quân đầu người cao nhất thế giới gồm Cộng hòa Czech, Latvia và Moldova.

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí JAMA Network Open (Mỹ) hôm 1-11, 1/5 trường hợp tử vong trong độ tuổi 20-49 tại Mỹ là do sử dụng rượu quá mức. Năm 2020, tỉ lệ tử vong do rượu là khoảng 13/100.000 dân, tăng so với 10,4/100.000 dân vào năm 2019.

Rượu là tác nhân chính gây ra rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi, xơ gan, tim mạch và ung thư… Ảnh: USDTL

Tại Hàn Quốc, kết quả khảo sát do Học viện Tâm thần Hàn Quốc (KAAP) công bố hôm 3-11 cho thấy số người chết do nghiện rượu ở nước này tăng cao trong đại dịch COVID-19. Sử dụng rượu quá mức là nguyên nhân gây ra 156 ca tử vong vào năm 2019. Con số này tăng lên 204 ca vào năm 2020 và 215 ca vào năm 2021.

GS Lee Hae-kook, làm việc tại Trường ĐH Công giáo Hàn Quốc và là Chủ tịch KAAP, nói: “Hàn Quốc chỉ có 8 bệnh viện chuyên điều trị chứng nghiện rượu, ngân sách hằng năm của chính phủ khoảng 1,4 tỉ won (tương đương 979.000 USD), giữ nguyên từ năm 2010. Trong khi đó, số cơ sở điều trị nghiện rượu tại địa phương là khoảng 50 trung tâm, trung bình 4 nhân viên/trung tâm, cơ sở vật chất còn thiếu thốn”.

Chiến lược toàn cầu nhằm giảm thiểu việc sử dụng rượu có hại đã được các quốc gia thành viên của WHO nhất trí vào năm 2010, thể hiện sự đồng thuận quốc tế trong việc giảm thiểu việc sử dụng rượu có hại và ưu tiên sức khỏe cộng đồng trong 10 lĩnh vực mục tiêu. 


Kh.Thu