“Năm quan trọng để tái xây dựng lòng tin” được chọn làm chủ đề của hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), với sự tham gia theo hình thức trực tuyến của hơn 2.000 nhà lãnh đạo trên toàn thế giới và diễn ra từ ngày 25 đến 29-1.

Khoảng 25 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ sẽ nhóm họp trực tuyến trong tuần lễ Chương trình Nghị sự Davos 2021 với trọng tâm giải quyết nhu cầu cấp thiết về hợp tác toàn cầu, thảo luận các thách thức kinh tế, xã hội và công nghệ trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cũng như biến đổi khí hậu. Vốn được tổ chức thường niên tại thị trấn Davos – Thụy Sĩ nhưng sự kiện năm nay bị hoãn do đại dịch Covid-19 và dự kiến diễn ra tại Singapore vào tháng 5 tới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 25-1 có bài phát biểu trực tuyến khai mạc Chương trình Nghị sự Davos 2021. Bài phát biểu này thu hút nhiều sự chú ý bởi Trung Quốc đã phục hồi kinh tế mạnh mẽ giữa đại dịch. Theo hãng tin Bloomberg, đây là bài phát biểu đầu tiên của ông Tập từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, động thái có thể tạo tiền đề cho quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 4 năm tới.

Sự kiện Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm nay diễn ra theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng dịch Covid-19 Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, trong bài phát biểu trước sự kiện hôm 24-1, nhà sáng lập kiêm chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab thúc giục các nước khôi phục lòng tin thông qua củng cố hợp tác toàn cầu. Ông Schwab cho biết tuần lễ Chương trình Nghị sự Davos 2021 sẽ tập trung thảo luận 5 lĩnh vực chính sách, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp một cách có trách nhiệm, tăng cường quản trị toàn cầu, đạt tiến triển trong nỗ lực trung hòa khí thải carbon. 

Ông cũng kêu gọi hướng đến các hệ thống kinh tế và xã hội công bằng hơn, tạo ra đủ việc làm nhằm xây dựng một xã hội hòa nhập hơn, định hình các xu hướng công nghệ mới hiệu quả, tạo ra một hệ thống đa phương mới, công bằng và đáp ứng những nhu cầu cần thiết của thế kỷ XXI.

Trong bài phát biểu đặc biệt cùng ngày, ngoài những chủ đề trên, Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin nhấn mạnh tiến độ và hiệu quả trong phát triển vắc-xin Covid-19 cho thấy những thành quả vượt trội mà các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng khoa học có thể đạt được khi bắt tay với nhau.

Theo tờ Sydney Morning Herald (Úc), Chủ tịch WEF Borge Brende cho hay sẽ có một cuộc thảo luận rất kỹ lưỡng về vai trò của châu Á trong sự phục hồi kinh tế toàn cầu và một số lãnh đạo khu vực này cũng tham dự sự kiện năm nay như Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen dự kiến có bài phát biểu trong tuần này.

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ vắng mặt tại WEF dù chính quyền mới của ông cam kết khôi phục chính sách đối ngoại đa phương sau chính sách “Nước Mỹ trước tiên” kéo dài 4 năm của cựu Tổng thống Donald Trump. Thay mặt ông Biden là Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry. 

Ngày 25-1 cũng đánh dấu sự trở lại của Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu khi ông Kerry tham gia các cuộc đàm phán cấp cao diễn ra trong hai ngày 25 và 26-1 do Hà Lan chủ trì dưới hình thức trực tuyến. Cuộc họp nhằm đưa ra các giải pháp và kế hoạch thiết thực ứng phó biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2030. Theo báo cáo của tổ chức Germanwatch (Đức), khoảng 480.000 người đã thiệt mạng trong các thảm họa liên quan đến thời tiết cực đoan trong 20 năm qua và thiệt hại kinh tế toàn cầu ước tính lên đến 2.560 tỉ USD trong thế kỷ này. 

“Virus bất bình đẳng”

“1.000 người giàu nhất hành tinh đã khôi phục toàn bộ thiệt hại của họ do Covid-19 chỉ trong vòng 9 tháng. Khoảng thời gian này với những người nghèo nhất thế giới là hơn 10 năm” – bản báo cáo mang tên “Virus bất bình đẳng” của tổ chức từ thiện Oxfam (Anh) nhấn mạnh. Phụ nữ, người da màu, các bộ lạc thổ dân… thuộc nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Được công bố hôm 25-1 trước thềm Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), báo cáo trên cảnh báo sự xuất hiện của Covid-19 khiến tình trạng bất bình đẳng gia tăng đồng thời ở hầu hết mọi quốc gia – lần đầu tiên hiện tượng này được ghi nhận kể từ khi Oxfam bắt đầu thực hiện báo cáo trên.

Thông qua đại dịch mà người ta biết được rằng có hơn 3 tỉ người ít được chăm sóc y tế, hầu hết người dân sống với mức 2-10 USD/ngày và khoảng 3/4 số công nhân trên thế giới không có BHXH (như trợ cấp thất nghiệp hay nghỉ bệnh).

Trái lại, theo báo cáo, tài sản của giới tỉ phú toàn cầu vẫn tăng thêm 3.900 tỉ USD trong khoảng thời gian từ ngày 18-3 đến 31-12-2020, bất chấp kinh tế thế giới đang suy thoái nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ qua. Chỉ riêng mức tăng tài sản của 10 tỉ phú giàu nhất thế giới trong khoảng thời gian trên đã là 540 tỉ USD. Như vậy, tổng số tài sản của giới tỉ phú hiện chạm mốc 11.950 tỉ USD, tương đương tổng chi phí mà toàn bộ các nước thuộc nhóm G20 (20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) dùng để ứng phó Covid-19.

Trong khi đó, hàng triệu người mất việc vì đại dịch và phải đối mặt nghèo túng, thiếu ăn. Nếu tình hình này tiếp diễn, thành tựu giảm đói nghèo mà toàn cầu đạt được trong 20 năm qua sẽ bị đảo ngược. Theo báo cáo, tổng số người sống trong nghèo đói năm 2020 có thể tăng khoảng 200-500 triệu người. Chính vì vậy, bà Gabriela Bucher, Giám đốc điều hành của Oxfam, khuyến cáo “cuộc chiến chống bất bình đẳng cần trở thành trọng tâm của các nỗ lực giải cứu và hồi phục kinh tế”.

Hải Ngọc


XUÂN MAI

Chia sẻ