Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao chủ đề “Nâng tầm sức mạnh của châu Á trong giải quyết các thách thức toàn cầu”, đồng thời nêu 5 đề xuất quan trọng.

Thứ nhất, các quốc gia châu Á cần cùng nhau chia sẻ và hiện thực hóa tầm nhìn về xây dựng hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ, lấy Hiến chương Liên Hiệp Quốc làm trung tâm; kiên trì thúc đẩy hợp tác đa phương…

Thứ hai, châu Á cần thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn những nỗ lực và hành động chung trong giải quyết các thách thức toàn cầu, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), cũng như giải quyết các thách thức toàn cầu mới, phi truyền thống như an ninh năng lượng, an ninh mạng, an ninh con người, an ninh y tế…; khuyến khích sự tham gia sâu rộng hơn của doanh nghiệp trong các chương trình, dự án phát triển, tạo thuận lợi về thể chế, đẩy mạnh mô hình đối tác công – tư.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 28 ở Nhật Bản. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO

Thứ ba, các nước cần hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa để cùng phát triển nhanh, bao trùm và bền vững; phát huy tốt những động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo. Nước phát triển hơn cần hỗ trợ nước đang phát triển nâng cao năng lực…

Thứ tư, đẩy mạnh hơn nữa giao lưu nhân dân, kết nối thế hệ trẻ, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch…

  • Yêu cầu Trung Quốc rút tàu Hướng Dương Hồng 10 khỏi vùng biển Việt Nam

Thứ năm, bảo đảm việc kiến tạo và củng cố môi trường hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết cho phát triển ở châu Á và trên thế giới.

Cần xác định đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, xây dựng lòng tin chiến lược, tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình là mẫu số chung gắn kết các quốc gia cùng vượt qua khó khăn, thách thức, khủng hoảng.

Đối với vấn đề biển Đông, các bên liên quan cần thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiến tới đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); đồng thời, kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan đã được UNCLOS 1982 xác lập.

Phó Thủ tướng đánh giá cao vai trò quan trọng của Nhật Bản trong các nỗ lực nâng tầm sức mạnh của châu Á; đồng thời chia sẻ các mục tiêu, định hướng, quan điểm và ưu tiên phát triển của Việt Nam. 


Dương Ngọc