Chiều 10-2, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã giao Cục Cứu hộ – Cứu nạn chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thành lập lực lượng tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo đó, có 76 quân nhân thuộc đội quân y (Tổng cục Hậu cần), đội cứu sập (Binh chủng Công binh), đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cùng bộ phận chỉ huy, cán bộ Cục Gìn giữ hòa bình, Cục Đối ngoại, các phóng viên, biên tập viên…

Bộ Quốc phòng giao Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ – Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ – Cứu nạn, Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn – làm tổng chỉ huy các lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Công tác chuẩn bị trước khi các quân nhân lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: HUY THANH

Ngoài ra, giao Tổng cục Hậu cần chuẩn bị 10 tấn lương khô giúp nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với đó, chủ trì và phối hợp với các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ; chuẩn bị tốt phương tiện vận chuyển hàng hóa, trang bị (khoảng 30 tấn) của lực lượng đến sân bay Nội Bài.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương – Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – cho biết việc cử lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện chính sách đối ngoại ưu việt, trách nhiệm cao trước cộng đồng quốc tế của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam. Đồng thời khẳng định uy tín, tinh thần trách nhiệm và năng lực của Quân đội nhân dân Việt Nam trong hội nhập, quan hệ, hợp tác quốc tế.

Trong khi đó, đoàn công tác cứu nạn quốc tế gồm 24 người của Bộ Công an xuất phát từ Hà Nội đã đáp chuyến bay xuống sân bay Istanbul ở TP Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ lúc 7 giờ (giờ địa phương) ngày 10-2.

Theo một chiến sĩ trong đoàn, tại đây đoàn tiếp tục chờ chuyến bay khác để đến TP Kahramanmaraş. Dự kiến khi đến đó, đoàn sẽ phối hợp với lực lượng cứu nạn quốc tế khác thực hiện việc đào bới, tìm kiếm dưới đống đổ nát, các tòa nhà bị sập để tìm, giải cứu người mắc kẹt.

Trước đó 1 ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thông báo có 95 quốc gia và 16 tổ chức quốc tế cam kết hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ. Tính đến ngày 9-2, 6.479 nhân viên cứu hộ từ 56 quốc gia có mặt tại hiện trường. “Các đội cứu hộ từ 19 quốc gia khác sẽ có mặt trong vòng 24 giờ” – ông Cavusoglu cho biết thêm.

Trong bối cảnh thảm họa động đất gây thiệt hại khủng khiếp (số người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tăng lên hơn 21.500 người, tính đến ngày 10-2), Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết cơ quan này vào tuần tới sẽ đưa ra lời kêu gọi cộng đồng quốc tế quyên góp cho những nạn nhân bị ảnh hưởng trong thảm họa kinh hoàng này.

Đáng chú ý, nhà lãnh đạo LHQ thúc giục chuyển thêm hàng cứu trợ đến những nơi bị động đất tàn phá ở miền Tây Bắc Syria do phe nổi dậy kiểm soát. Theo đài Al Jazeera, hàng cứu trợ đến khu vực này hiện chỉ được phân phối qua một cửa khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số này, chuyến hàng cứu trợ đầu tiên của LHQ đến được đó hôm 9-2.

Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Syria không được ảnh hưởng đến hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cũng như hy vọng Hội đồng Bảo an LHQ đạt đồng thuận cho phép sử dụng thêm cửa khẩu biên giới để thúc đẩy hoạt động cứu trợ.

Bên cạnh đó, theo Reuters, ông Martin Griffiths, Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của LHQ, sẽ đến TP Gaziantep – Thổ Nhĩ Kỳ và các thành phố Aleppo, Damascus ở Syria trong những ngày tới để đánh giá nhu cầu hỗ trợ nhân đạo sau động đất. 

Trừng phạt cản trở cứu trợ ở Syria?

Bộ Tài chính Mỹ hôm 9-2 cho biết đã tạm thời nới lỏng trừng phạt Syria để tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ liên quan đến thảm họa động đất. Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nhấn mạnh bước đi kéo dài 6 tháng này sẽ cho phép các nỗ lực cứu trợ động đất được tiến hành, tập trung vào việc cứu tính mạng và tái thiết.

Động thái trên diễn ra giữa lúc chính phủ Syria đang tăng cường kêu gọi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế sau thảm họa động đất. Theo đài CNN, các nhóm cứu trợ làm việc tại các khu vực do chính phủ kiểm soát ở Syria cho rằng đòn trừng phạt của phương Tây dẫn đến tình trạng thiếu thốn máy móc hạng nặng, thiết bị y tế cần thiết để cứu người trong đống đổ nát.

Theo hãng tin nhà nước SANA của Syria, hầu hết thương vong của trận động đất tại nước này là ở miền Tây Bắc, chủ yếu tại các thành phố Aleppo, Hama, Latakia và Tartus. Trước khi xảy ra động đất, khu vực này còn đang phải vật lộn với việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng quan trọng bị hư hại nặng nề trong cuộc nội chiến.

Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), một nửa trong số 4,6 triệu người dân ở Tây Bắc Syria buộc phải rời bỏ nhà cửa do xung đột, trong đó 1,7 triệu người hiện sống trong các lều và trại tị nạn trong khu vực và việc đưa được hàng cứu trợ đến tay họ gặp không ít thách thức.

Anh Thư


Bạch Huy Thanh – Nguyễn Hưởng – Hoàng Phương