Ngày 8-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Phnom Penh, bắt đầu thăm chính thức Campuchia từ ngày 8 đến 9-11, dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị liên quan từ ngày 10 đến 13-11.

Tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh

Trong ngày 8-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, hội kiến Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Say Chhum; Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin; Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.

 Tại cuộc hội đàm, hai Thủ tướng khẳng định quyết tâm củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia, đưa hợp tác song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả…

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, nhấn mạnh nguyên tắc không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước này làm phương hại đến an ninh và lợi ích của nước kia; khẳng định phối hợp triển khai hiệu quả các thỏa thuận, cơ chế hiện có nhằm giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở mỗi nước, ngăn chặn các loại tội phạm xuyên biên giới như buôn người, vận chuyển và buôn lậu ma túy, đẩy mạnh hợp tác bảo đảm an ninh mạng, bảo hộ công dân…

Hai bên cũng thống nhất tiếp tục nỗ lực chung tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia và thúc đẩy việc hồi hương hài cốt các chiến sĩ Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia từ Việt Nam về Campuchia.

Về hợp tác kinh tế, hai bên vui mừng trước việc thương mại và đầu tư song phương trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước thời gian gần đây. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt trên 9,5 tỉ USD, tăng gần 80% so với năm 2020; kim ngạch 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,45 tỉ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021, cán cân thương mại tương đối cân bằng.

Đến nay, Việt Nam có 198 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,92 tỉ USD, đứng đầu ASEAN và trong nhóm 5 nước có đầu tư lớn nhất tại Campuchia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen chứng kiến Lễ ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực đổi mới tài chính và hệ thống thanh toán Ảnh: VGP

Xây dựng đường biên giới hòa bình

Hai bên nhất trí đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, cả về cơ sở hạ tầng cứng cũng như thể chế, chính sách; ưu tiên thúc đẩy hợp tác về chuyển đổi số; hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ…

Hai Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại biên giới và hợp tác phát triển kinh tế khu vực giáp biên, kinh tế cửa khẩu; hoan nghênh việc hai bên đã nỗ lực hoàn tất Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Campuchia để ký kết nhân dịp chuyến thăm này.

Hai bên nhất trí tôn trọng và thực hiện đầy đủ các điều ước về biên giới đã ký kết giữa hai nước, tiếp tục thúc đẩy đàm phán, cùng nỗ lực tìm kiếm giải pháp thỏa đáng đối với 16% đường biên giới trên đất liền chưa hoàn thành phân giới cắm mốc; đồng thời, giải quyết các vấn đề phát sinh trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị, góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam – Campuchia hòa bình, ổn định và hợp tác.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và mong muốn phía Campuchia tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người gốc Việt sinh sống, làm việc ổn định và hợp pháp tại Campuchia. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục đào tạo, giao thông vận tải, nông – lâm – ngư nghiệp, thông tin và truyền thông, tài chính – ngân hàng, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân, thể thao…

Ngay sau hội đàm, hai Thủ tướng đã cùng chứng kiến Lễ ký kết 11 văn kiện giữa hai nước trong các lĩnh vực thương mại, hành chính, chuyển đổi số, lao động, tài chính, viễn thông… 

Phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương

Hai Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Việt Nam và Campuchia cần tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, tăng cường xây dựng lòng tin, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982; ủng hộ các bên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cũng như thúc đẩy hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế.


Dương Ngọc