Làn sóng cấm cửa mạng xã hội TikTok đang lan rộng và được đẩy mạnh, dẫn đến tranh cãi về động thái này. Trong bước đi mới nhất, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm 1-3 thông qua dự luật cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden cấm sử dụng TikTok trên cả nước.

Theo Reuters, dự luật không nói rõ lệnh cấm này được thực hiện thế nào nhưng trao cho ông Biden quyền cấm mọi giao dịch với TikTok, đồng nghĩa các cá nhân ở Mỹ không thể tiếp cận hoặc tải ứng dụng này về điện thoại.

Trước đó, Nhà Trắng hôm 27-2 cho biết các cơ quan liên bang có 30 ngày để xóa TikTok khỏi mọi thiết bị và hệ thống của chính phủ. Hiện có hơn 30 bang ở Mỹ cấm sử dụng TikTok trên thiết bị thuộc sở hữu của chính quyền.

Ngoài ra, Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng Liên minh châu Âu gần đây cũng tạm thời cấm cài đặt TikTok trên điện thoại nhân viên. Đan Mạch và Canada cũng có động thái tương tự đối với điện thoại do chính phủ cấp.

TikTok đang đối mặt sức ép ngày càng tăng do nhiều nước xem mạng xã hội này là “mối đe dọa tiềm tàng đến an ninh quốc gia”. Nỗi lo chính là ByteDance, công ty mẹ của TikTok và có trụ sở ở Trung Quốc – có thể chia sẻ dữ liệu người sử dụng cho Bắc Kinh.

Ông Shou Zi Chew, Giám đốc điều hành TikTok tại văn phòng của công ty ở thủ đô Washington – Mỹ Ảnh: THE WASHINGTON POST

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Lisa Monaco vào tháng rồi tiếp tục nêu bật mối quan ngại của Washington khi cho rằng các công ty hoạt động ở Trung Quốc phải tuân thủ luật lệ, theo đó yêu cầu họ chia sẻ dữ liệu với Bắc Kinh.

Hiện chưa có bằng chứng TikTok làm như thế nhưng lượng dữ liệu khổng lồ trong tay công ty này gây ra mối bận tâm về an ninh dữ liệu. Theo một số chuyên gia, thông tin quan trọng về nước Mỹ không chỉ liên quan đến nhà máy điện hạt nhân hoặc cơ sở quân sự mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như chế biến thực phẩm, tài chính, giáo dục…

Bên cạnh vấn đề an ninh quốc gia, một nỗi lo khác là doanh nghiệp Trung Quốc có thể hưởng lợi nếu tiếp cận được những thông tin được thu thập ở Mỹ, nơi TikTok hiện có hơn 100 triệu người sử dụng thường xuyên mỗi tháng.

Ngoài ra, còn có câu hỏi về tác động của nội dung trên TikTok đối với sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên. Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Pew, khoảng 2/3 thanh thiếu niên ở Mỹ đang sử dụng TikTok.

Dù vậy, một số nhà hoạt động, chuyên gia và nghị sĩ ở Mỹ chỉ trích cuộc chiến chống lại TikTok đang đe dọa đến quyền tự do ngôn luận và hạn chế hoạt động kinh doanh tư nhân.

Trong lá thư gửi đến một số thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) cho rằng một lệnh cấm toàn quốc đối với TikTok là vi hiến và có thể dẫn đến việc nhiều ứng dụng, doanh nghiệp khác rơi vào cảnh tương tự.

Trước mắt, ông Shou Zi Chew, Giám đốc điều hành TikTok, dự kiến ra điều trần về chuyện bảo mật dữ liệu trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ trong tháng này. Cùng với phản ứng mạnh của Bắc Kinh, công ty này liên tục bác bỏ những nỗi lo liên quan đến dịch vụ mình, đồng thời cho biết đã chi hơn 1,5 tỉ USD cho các nỗ lực bảo vệ dữ liệu.

Ngoài ra, trong bước đi mới nhất nhằm xoa dịu nỗi lo, TikTok hôm 1-3 cho biết sẽ tự động hạn chế thời gian sử dụng đối với người sử dụng dưới 18 tuổi. Cụ thể, theo đài CNBC, khi đạt đến giới hạn thời gian là 60 phút, người sử dụng dưới 18 tuổi sẽ được nhắc nhập mật mã để tiếp tục xem video trên TikTok, lý do đưa ra là công ty muốn người dùng “đưa ra quyết định chủ động” về việc này. 


Hoàng Phương