Ít nhất 19 quốc gia đã chấp thuận sử dụng vắc-xin Nga, bao gồm Hungary, quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong khi các thị trường quan trọng như Brazil và Ấn Độ cũng phê chuẩn Sputnik V. Hiện Nga nhắm mục tiêu vào thị trường EU khi khối này đang chật vật với chương trình tiêm chủng vì thiếu nguồn cung vắc-xin.

Theo hãng tin Bloomberg, trong cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 2,3 triệu người trong chưa đầy một năm, cuộc chạy đua để có được vắc-xin đã mang ý nghĩa địa chính trị khi các chính phủ tìm cách vượt qua những thiệt hại kinh tế và xã hội do ảnh hưởng từ các đợt phong tỏa.

Điều đó đã mang lại lợi thế cho Nga khi là một trong số ít các quốc gia có các nhà khoa học tạo ra một hệ thống phòng dịch hiệu quả.

Ít nhất 19 quốc gia đã chấp thuận sử dụng vắc-xin Nga. Ảnh: Reuters

Kết quả từ các thử nghiệm giai đoạn cuối với 20.000 người tham gia được đánh giá trên tạp chí The Lancet cho thấy vắc-xin Nga có tỉ lệ hiệu quả đến 91,6%.

Ông Kirill Dmitriev, giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư trực tiếp Nga đã hỗ trợ sự phát triển của Sputnik V và phụ trách triển khai trên trường quốc tế, cho biết: “Đây là một thời điểm quan trọng đối với chúng tôi”.

Dù còn quá sớm để đánh giá lợi ích chính trị dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin nhưng Moscow đã tạo ra phần lớn tác động từ quyền lực mềm đối với hình ảnh của nước này sau nhiều năm bị cáo buộc can thiệp bầu cử và nhắm vào các đối thủ chính trị trong và ngoài nước.

Theo bà Oksana Antonenko, giám đốc Công ty tư vấn Control Risks, thành công của Sputnik V sẽ không làm thay đổi sự thù địch đối với Nga ở các chính phủ phương Tây dù vắc-xin này có thể củng cố ảnh hưởng địa chính trị của Nga ở các khu vực như Mỹ Latinh.

Nga, quốc gia cam kết tiêm vắc-xin miễn phí cho 146 triệu dân, đã bắt đầu sản xuất Sputnik V vào năm ngoái và vắc-xin hiện cũng được sản xuất ở các quốc gia khác gồm Ấn Độ, Hàn Quốc và Brazil.

Nhân viên y tế tiêm vắc-xin của AstraZeneca-Oxford cho một phụ nữ ở Pháp. Ảnh: EPA-EFE

Không giống như vắc-xin của các hãng Pfizer (Mỹ) – BioNTech (Đức), Sputnik V của Nga có thể được bảo quản trong tủ lạnh chứ không phải tủ đông, giúp dễ dàng vận chuyển và phân phối ở các nước nghèo và nóng hơn.

Với giá khoảng 20 USD cho hai mũi tiêm, vắc-xin Sputnik V cũng rẻ hơn hầu hết các lựa chọn của phương Tây. Dù đắt hơn hãng AstraZeneca (Anh) nhưng vắc-xin của Nga đã cho thấy hiệu quả cao hơn.

Nga cũng đang thâm nhập vào các quốc gia như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, quốc gia có truyền thống gần gũi với Mỹ và đã cho phép sử dụng Sputnik V

Trong khi đó, hãng AstraZeneca hôm 6-2 cho biết vắc-xin do hãng này phát triển cùng với Trường ĐH Oxford dường như chỉ có mức bảo vệ giới hạn đối với trường hợp bệnh nhẹ do nhiễm biến thể từ Nam Phi. Tuy nhiên, vắc-xin của AstraZeneca lại có hiệu quả chống lại biến thể tại Anh tương tự như đối với các biến thể đã xuất hiện trước đó.


Xuân Mai

Chia sẻ