Đài Al Jazeera hôm 28-4 dẫn thống kê của Cơ quan điều tra quốc gia Iran cho biết ngộ độc methanol đã giết chết 728 người Iran trong khoảng thời gian từ ngày 20-2 đến ngày 7-4-2020. Các nạn nhân lầm tưởng chất độc hại này có thể chữa được Covid-19. Hồi năm ngoái, chỉ có 66 ca tử vong do ngộ độc rượu tại Iran.

Ngoài 728 người thiệt mạng, phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour nói rằng 5.011 người khác bị ngộ độc methanol và khoảng 90 người bị mất thị lực hoặc tổn thương mắt do ngộ độc rượu. Cố vấn y tế Hossein Hassanian cảnh báo số người bị mất thị lực có thể cao hơn nhiều.

Methanol không thể ngửi hoặc nếm được trong đồ uống. Nó gây ra tổn thương nội tạng và não. Các triệu chứng ngộ độc methanol bao gồm đau ngực, buồn nôn, khó thở, mù và thậm chí hôn mê.

Ít nhất 728 người đã thiệt mạng ở Iran sau khi uống methanol độc hại vì lầm tưởng nó có thể chữa được Covid-19. Ảnh: Reuters

Tại Iran, chính phủ yêu cầu các nhà sản xuất methanol phải thêm màu nhân tạo vào sản phẩm của họ để công chúng phân biệt với ethanol – loại rượu có thể được sử dụng để làm sạch vết thương.

Các trường hợp tử vong do methanol xảy ra trong bối cảnh 92.584 người bị mắc Covid-19 và 5.877 người thiệt mạng vì virus chết người ở Iran. Khoảng 72.439 bệnh nhân đã hồi phục cho đến nay và được xuất viện, trong khi 2.983 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Ngoài ra, hơn 100 nhân viên y tế đã chết vì virus SARS-CoV-2, theo hãng tin IRNA.

Iran là một trong những nơi hứng dịch bệnh đầu tiên sau khi virus lan ra ngoài TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc – Trung Quốc.

Một số tin đồn lan truyền trên mạng xã hội Iran trong bối cảnh mọi người tìm đến các phương pháp chữa trị Covid-19 bằng dầu rắn, rượu whisky, mật ong và methanol.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, một liều methanol từ 30-240 ml có khả năng gây tử vong. Phương pháp điều trị ngộ độc methanol là dùng fomepizole, ethanol và lọc máu.

Hồi giữa tuần trước, ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nêu khả năng tiêm thuốc khử trùng vào bệnh nhân Covid-19, gây chấn động quốc tế. Các nhà sản xuất, bác sĩ và cơ quan chính phủ vội đưa ra cảnh báo không nên dùng chất khử trùng để chữa trị Covid-19.


Phạm Nghĩa (Theo Al Jazeera, AP)