Trong bối cảnh đó, các lực lượng Nga đáp trả bằng các cuộc không kích vào một số khu vực tái chiếm. 

Sự rút lui của quân đội Nga trong những ngày gần đây đã khiến người dân địa phương bớt lo lắng trước cảnh bom đạn. Cư dân Yuriy Kurochka, 64 tuổi, chia sẻ: “Tôi không có đủ từ ngữ để diễn tả cảm xúc của bản thân vào lúc này. Nếu nói rằng hạnh phúc, tôi cảm thấy nói như vậy là chưa đủ”.

Binh sĩ Nga ở TP Kherson. Ảnh: AP

Tuy nhiên, vào ngày 12-9, Moscow thông báo các cuộc tấn công bằng lính dù, tên lửa và pháo binh vào nhiều nơi ở khu vực Kharkiv, một ngày sau khi Kiev cáo buộc các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng điện gây ra sự cố mất điện.

Sự việc diễn ra khi Ukraine cho biết các lực lượng đã chiếm lại hơn 20 khu định cư, đồng thời tuyên bố “quân đội Nga đang vội vàng từ bỏ vị trí và rút lui”. Kiev đã tuyên bố tái chiếm TP Izyum ở phía Đông của Ukriane.

Trong video phát mỗi tối của mình, tối 12-9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết: “Kể từ đầu tháng 9 và cho đến hôm nay, binh sĩ Ukraine đã giải phóng hơn 6.000 km2 lãnh thổ ở miền Nam và miền Đông. Bước tiến của quân đội vẫn tiếp tục”.

Như vậy trung bình mỗi ngày phía Ukraine thông báo đã lấy lại 1.000 km2 đất trong vài ngày qua, sau khi tuyên bố bắt đầu chiến dịch phản công.

Ông Zelensky cũng không quên kêu gọi “tăng viện trợ cho Ukraine và trên hết là tăng tốc độ cung cấp các hệ thống phòng không”.

Quân đội Ukraine hôm 12-9 tuyên bố đã giành lại được nhiều lãnh thổ hơn trong 24 giờ qua. Ảnh: Reuters

Tuyên bố của ông Zelensky được đưa ra trong bối cảnh Ukraine mở đợt phản công chớp nhoáng ở tỉnh Kharkiv thuộc phía Đông Bắc, tái kiểm soát TP Izyum, Kupiansk và Balakliya. Đài CNN dẫn nhận định của nhiều chuyên gia phương Tây cho rằng Ukraine đã giành lại gần 10% lãnh thổ mà Nga kiểm soát từ khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ bình luận trên Twitter: “Ukraine đã lật ngược tình thế có lợi cho mình, nhưng cuộc phản công hiện tại sẽ không kết thúc giao tranh”.

Trong một diễn biến có liên quan, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết cả Ukraine lẫn Nga đều quan tâm đến đề xuất của tổ chức này trong việc thiết lập vùng an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đang do Nga kiểm soát. Người đứng đầu IAEA nêu rõ “khu vực bảo vệ an ninh và an toàn hạt nhân” được đề xuất sẽ “bao gồm” lệnh ngừng bắn và “có thể bao gồm nhiều thứ khác”, theo hãng tin Reuters.

Ông Grossi xác nhận lò phản ứng số 6 của nhà máy đang trong tình trạng gọi là “tắt lạnh” – tức là nhiệt độ của lò phản ứng dưới mức độ sôi nhưng nước từ các máy bơm điện vẫn phải tiếp tục chảy vào lõi của lò phản ứng để làm mát nhiên liệu và tránh nguy cơ bị nóng chảy hạt nhân.


Huệ Bình